Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Hiện nay, trước những thách thức đặt ra của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, càng phải chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Những không gian di tích lịch sử, bảo vật, hiện vật được phục dựng lại bằng những công nghệ tiên tiến nhất đã làm sống lại di sản và công nghệ khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn với công chúng, mang lại cái nhìn sống động về di sản, về lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ ngày nay. Đây là xu thế và cũng là nỗ lực của một lớp người trẻ để thổi hồn cho những báu vật mà ông cha ta để lại.

Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc- Giám đốc Ỷ Vân Hiên- đơn vị phỏng dựng cổ phục Việt được biết đến nhiều ở thời điểm hiện tại cho biết: "Những họa tiết thời xưa được dệt rất cầu kỳ, ví dụ như bộ mãng bào, long bào là những triều phục thời Nguyễn thì những hoa văn được dệt rất tinh xảo, bây giờ để làm lại rất khó, nếu có thì thời gian và tiền bạc lại quá lớn mà hiệu quả ứng dụng và hiệu quả thị trường lại chưa cao. Chính vì thế chúng tôi đã ứng dụng công nghệ in hiện đại trong thiết kế cổ phục để làm cho phần hình ảnh sản phẩm vẫn giữ được phom dáng, bố cục họa tiết, hoa văn vẫn chuẩn".

Với mong muốn giới thiệu giá trị của những Bảo vật quốc gia, những bộ sưu tập quý giá hàng đầu mà Bảo tàng đang lưu giữ tới công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ấp ủ dự án ứng dụng công nghệ số vào hoạt động trưng bày. Ấp ủ của những người làm công tác bảo tàng đã trở thành hiện thực khi nhận được sự phối hợp của những người trẻ làm công nghệ khi Trống đồng Ngọc Lũ - Bảo vật quốc gia được số hóa và đưa lên nền tảng số của bảo tàng ở địa chỉ: Baovatquocgia.baotangso.com.

Anh Đặng Phan Điệp, Giám đốc Kỹ thuật công ty Vietsoft pro, đơn vị triển khai dự án tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia sẻ về công việc của nhóm: "Quá trình anh em triển khai rồi số hóa, cũng như scan lazer rồi phối hợp với các anh chị nội dung mình cũng phải có sự chuyên tâm nhất định. Thứ hai là phối hợp rất sát sao sao để làm sao mỗi câu chuyện có thể thể hiện được bằng công nghệ và cách tương tác làm sao nó phải thu hút".

Bên cạnh bảo tàng Lịch sử quốc gia, rất nhiều những bảo tàng khác cũng đang đẩy mạnh số hóa, dùng công nghệ thay đổi cách trưng bày, trong đó có di tích Hoàng thành Thăng Long. Từ chiếc bát sứ thấu quang đã được công nhận là Bảo vật quốc gia đến những hiện vật độc bản gốm men nâu thời Lý, Trần hay bộ sưu tập hiện vật kim loại quý lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng… và điều khiến người xem càng thêm thích thú khi tới tham quan Hoàng thành Thăng Long đó là những không gian ảo được tái tạo bằng các giải pháp công nghệ.

Số hóa di sản văn hóa đang ngày càng khẳng định vai trò của một phương pháp bảo tồn, lưu giữ di sản phù hợp trong xã hội số hiện nay, góp phần quan trọng trong quản lý, cung cấp thông tin giúp giới học thuật làm cơ sở nghiên cứu lịch sử, giúp những người ở xa có cơ hội tiếp cận với di sản giống như tham quan trực tiếp.

Những thành tựu ban đầu về di sản văn hóa số tại Việt Nam có thể nói đã đặt nền móng ban đầu cho một cuộc cách mạng lớn lao trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của nền văn hóa. Và điều cần làm là cần đưa ra những chiến lược, kế hoạch dài hơi trong việc khai thác giá trị của di sản nhờ vào công nghệ.

Mời nghe bài viết tại đây: