Lối sống hiền hòa, trọng tình, trọng nghĩa là tính cách đặc trưng của người Việt. Thế nhưng, mặt trái của điều này lại chính là sự cam chịu. Vì sống giàu tình cảm, hiền lành mà không ít người phụ nữ đã sẵn sàng sống cam chịu với mong muốn có một mái ấm hạnh phúc. Tuy nhiên, sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn, nếu sống cam chịu cả đời sẽ khiến cuộc sống không khác gì địa ngục.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, dù trong tình huống nào cũng không nên cam chịu, bởi vì đấy là cách ứng xử của người phụ nữ thời phong kiến. Trong xã hội văn minh hiện đại ngày nay, chúng ta đã xây dựng nếp sống văn minh, bình đẳng giới và hạnh phúc trong gia đình, người phụ nữ đã có tiếng nói, ngày càng khẳng định vị trí trong gia đình và ngoài xã hội.

Có thể nói, cam chịu là mặt hạn chế về tính cách của người Việt trong quá trình phát triển hiện nay. Dù xã hội đã phát triển, khoảng cách giữa nam và nữ đã được thu hẹp dần. Tuy nhiên, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại và ảnh hưởng tới không ít gia đình. Bởi vậy, có không ít phụ nữ vẫn cam chịu sống trong cảnh "chồng chúa, vợ tôi". Thậm chí có không ít người phụ nữ đã cam chịu đến quên bản thân mình, dần dần rơi vào trạng thái trầm cảm, bế tắc. Chính vì thế, mỗi người cần phân biệt rõ nhẫn nhịn và cam chịu là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn. “Nhẫn nhịn là trong từng hành vi, trong từng cử chỉ, trong từng lời nói nhất định. Còn cam chịu là một trạng thái nặng nề hơn, u ám hơn, có những điều người ta muốn thay đổi mà không dám, nó diễn ra ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Hiện tượng cam chịu nó mang tính chất nặng nề u ám và kéo dài, dễ gây đến những tổn thất về mặt tâm lý cũng như gây đến những xung đột, dẫn đến có thể tổn hại đến sức khỏe và tính mạng con người” - PGS.TS Phạm Ngọc Trung lưu ý.

Cam chịu vốn là đặc điểm phổ biến của những người dân dưới chế độ phong kiến. Đặc biệt ở chế độ cũ, phụ nữ phải an phận, phải cam chịu…. điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới cách thức giáo dục mỗi người ngay từ trong chính gia đình. Thế nhưng trong xã hội hiện đại, sự cam chịu sẽ khiến cho cuộc sống con người ta rơi vào bế tắc. Vẫn biết rằng một điều nhịn là chín điều lành, nhưng điều gì cũng cần phải có giới hạn. PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, thực tế không ít trường hợp vì cam chịu quá mà dẫn tới sự bùng nổ về tâm lý. Một lần, hai lần có thể bỏ qua nhưng đến lần thứ ba, thứ tư, thứ năm... thì không thể cam chịu. Sự cam chịu vượt quá giới hạn sẽ dẫn đến những bi kịch. Rất nhiều trường hợp ly hôn, bỏ đi hay thậm chí xảy ra án mạng vợ giết chồng, chồng giết vợ... thì điều đó rất đáng tiếc.

Sống cam chịu không phải là cách để mỗi người tự tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình mà điều đó càng khiến mỗi người quên mất đi giá trị của chính bản thân. Chính vì thế mỗi người cần tìm hiểu rõ căn nguyên, gốc rễ để tự sửa mình và bỏ tính cam chịu. Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, mỗi người phải thoát ra khỏi sự đè nén, phải cố gắng vươn lên, phải tự chủ được kinh tế của mình. Mình phải tự chủ được công việc của mình và có những đóng góp thiết thực cho gia đình và xã hội. Để cả hai vợ chồng cảm thấy rằng đúng là hai nửa của nhau, có nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau và cũng có những bổ sung cho nhau. Còn nếu như một người mà cứ trở thành gánh nặng cho người kia thì rõ ràng sẽ lại nảy sinh sự phân biệt và lại dẫn đến tâm lý cam chịu.

Tính cách là một trong những yếu tố quan trọng nhất của một con người. Tính cách bẩm sinh vừa có yếu tố di truyền, vừa do quá trình nuôi dưỡng, bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh mà hình thành. Ranh giới giữa chịu đựng và cam chịu rất mong manh, mỗi người cần tinh tế nhận ra điều này để thêm hoàn thiện nhân cách cho bản thân mình.