Nhạc sĩ Phú Quang tên đầy đủ là Nguyễn Phú Quang, người Hà Nội nhưng sinh tại Cẩm Khê, Phú Thọ năm 1949 do theo gia đình tản cư kháng Pháp. Năm Phú Quang lên 5 tuổi, cả gia đình mới trở về sinh sống tại Thủ đô.

18 tuổi, Phú Quang tốt nghiệp hệ trung cấp Kèn Cor tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), làm nhạc công tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam đến năm 1978. Từ 1978 - 1982, ông trở lại Nhạc viện Hà Nội học chuyên ngành Chỉ huy Giao hưởng và sau khi tốt nghiệp, ông đầu quân cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Năm 1985 đánh dấu bước ngoặt lớn của cuộc đời Phú Quang khi ông quyết định Nam tiến. Bởi lẽ, đây là quãng thời gian ông bắt đầu viết ca khúc, nhạc phim, nhạc cho sân khấu...

Chính sự xa cách đã khơi nguồn cảm xúc vô tận để ông viết rất nhiều bài hát về thành phố quê hương - Hà Nội, mà ông đã từng chia sẻ là nhớ và yêu đến “quay quắt”, “cháy lòng”. Trong kho tàng khoảng 600 bài hát ông sáng tác hoặc phổ nhạc thì đa số đều viết về Hà Nội như: Em ơi! Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm, Đâu phải bởi mùa thu, Im lặng đêm Hà Nội… Đó chính là lý do ông được gọi là nhạc sĩ của Hà Nội, của tình yêu.

Nhạc sĩ từng chia sẻ, ông chỉ viết nhạc khi trái tim thực sự rung động. Chính vì vậy, các tác phẩm của ông đều giàu cảm xúc, ca từ và giai điệu đẹp, lắng đọng, được nhiều người yêu thích.

Ngoài ra, ông còn sáng tác khí nhạc, nổi tiếng nhất là bài Khát vọng. Ông còn làm nhạc cho nhiều bộ phim nghệ thuật, phim truyền hình dài tập như: Ông cố vấn, Dốc tình, Tình khúc 68, Bao giờ cho đến tháng Mười, Huyền thoại về người mẹ… Nhạc cho sân khấu kịch của Hà Nội như Bài ca Điện Biên, Vòng tay anh vòng tay em, Trần Thủ Độ... Nhạc cho ballet như vở Sự ân hận muộn màng.

Phú Quang từng phát hành hơn 15 album và tổ chức nhiều đêm nhạc riêng. Với mỗi ca khúc, ông luôn chọn ca sĩ phù hợp nhất để hát nhạc mình, chọn dàn nhạc chất lượng để bài hát vang lên tối ưu, thậm chí ông còn lên sân khấu đệm đàn và đứng vào vị trí chỉ huy dàn nhạc trong đêm diễn riêng. Ông còn thành lập công ty hỗ trợ và phát triển nghệ thuật với mong muốn truyền tình yêu âm nhạc tới nhiều thế hệ học trò.

Năm ngoái, khi đang nằm viện, ông đã vinh dự nhận được Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ở hạng mục Giải thưởng Lớn. Ông trở thành người trẻ nhất trong số những người được Giải thưởng Lớn nhưng không thể đến nhận giải.

Ở tuổi 72, sau gần 2 năm chiến đấu với bệnh tật, ông đã từ giã cõi đời, để lại bao nỗi nhớ thương và những dự định còn dang dở...