Trong suốt chiều dài lịch sử từ thưở Lạc Hùng mở cõi đến các triều đại sau này và đến thời đại Hồ Chí Minh, để giành và giữ độc lập dân tộc thì điều căn bản trong ngoại giao xuyên suốt là “tinh thần tự chủ nhưng không tự ngạo”. Rất nhiều câu chuyện về tài ứng đối của các sứ thần thể hiện kế sách “lấy lễ mà thờ” nhưng cha ông ta không bao giờ để mất sĩ khí quốc gia.

Vào năm Ất Dậu, tức năm 1285, hai đạo quân của quân Nguyên đánh phá nước Đại Việt. Tình hình chiến sự diễn biến rất phức tạp và hoàn toàn bất lợi cho nhà Trần. Triều Trần muốn nắm được chính xác thực lực của quân Nguyên, nhưng bối rối vì không biết ai có thể thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này. Đúng lúc đó, quan Ngự sử Đỗ Khắc Chung thời vua Trần tình nguyện đảm nhận. Về sự kiện được coi là “ đi sứ” này, nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc kể lại: “Có một câu chuyện khá hay về chuyện đi sứ của Đỗ Khắc Chung. Thực ra cụ không phải đi sứ sang Trung Quốc, mà vào năm 1285 quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 2, tướng giặc là Ô Mã Nhi rất ngạo ngược, cầm mười vạn quân sang đến đất Gia Lâm, chỉ cách thành Thăng Long một con sông. Trong khi đó vua tôi nhà Trần còn đang muốn tìm kế hoãn binh để di tản khỏi thành. Lúc đó cần 1 người sang thương thuyết, Đỗ Khắc Chung, lúc ấy mới là một chức quan nhỏ, đã xung phong đi và đối đáp rất thông minh, khiến Ô Mã Nhi rất thán phục… Sau cuộc thương thuyết thành công này, Đỗ Khắc Chung được suy tôn là đi sứ”.

Cũng thời nhà Trần, trạng nguyên nhỏ tuổi Nguyễn Hiền sinh năm Ất Mùi (tức năm 1235) đỗ trạng nguyên năm 1247 khi mới 12 tuổi, được ban tặng 4 chữ vàng “Khai quốc Trạng nguyên”. Sách Đại Nam nhất thống chí đưa tên ông vào mục những nhân vật nổi tiếng thời Trần. Tuy không đi sứ sang phương Bắc, nhưng Nguyễn Hiền được triều đình phương Bắc nể phục qua việc giải được câu đố của sứ giả. Câu chuyện này Tiến sĩ Lưu Minh Trị, nguyên Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Thăng Long - Hà Nội chia sẻ: Tương truyền, sứ thần Trung Hoa đem một bài thơ ngụ ngôn sang thử nhân tài nước Nam. Bài thơ như sau: Lưỡng nhật bình đầu nhật,/Tứ sơn điên đảo sơn,/Lưỡng vương tranh nhất quốc,/Tứ khẩu tung hoành gian. Dịch là: Hai mặt trời bằng đầu/Bốn trái núi điên đảo/Hai vua tranh nhau một nước/Bốn miệng ở trong khoảng dọc ngang.Vua và các quan trong triều không ai giải nghĩa được là gì. Một viên quan tâu với vua xin mời trạng nguyên Nguyễn Hiền, trạng Hiền liền giải thích như sau: Câu thứ nhất nghĩa là hai chữ "nhật" đều bằng đầu nhau. Câu thứ hai "Tứ sơn điên đảo sơn" là 4 chữ "sơn", ngược xuôi cũng đều là chữ "sơn" vua tranh một nước. Câu thứ tư "Tứ khẩu tung hoành gian", có nghĩa là 4 chữ "khẩu”, ngang dọc cũng đều thành chữ "khẩu". Tóm lại tất cả 4 câu thơ chỉ nói đến chữ "Điền". Giải xong, Trạng Hiền viết thư cho sứ Trung Hoa, ông ta phải chịu là nước Nam có nhân tài.

Từ đó danh tiếng của Trạng vang lừng hai nước. Triều đình phương Bắc biết đất An Nam có người tài giỏi nên không dám sách nhiễu.

Một câu chuyện về bang giao được lịch sử nhắc nhiều đó là chuyến đi sứ của Chánh sứ Giang Văn Minh. Mùa đông năm Dương Hòa 3 (1637) đời vua Lê Thần Tông, Giang Văn Minh cùng Thiên đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với bốn phó sứ là Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh.

Hoàn cảnh đi sứ của 2 đoàn sứ bộ thời kỳ này rất khó khăn, bởi nhà Minh đang tìm trăm phương ngàn kế để đe doạ và nuôi mộng làm bá chủ nước Việt. Sứ bộ của ta đã sang đến Yên Kinh gần cả năm trời, vua Minh vẫn không tiếp kiến. Giai thoại kể rằng, để sớm được vào chầu kiến, Giang Văn Minh đã dùng nhiều kế buộc vua nhà Minh phải cho vào triều. Sử sách kể lại rằng: Vua Minh lúc ấy là Sùng Trinh cho gọi Giang Văn Minh vào và ra cho sứ bộ một vế đối, đối được mới cho vào chầu. Vế đối ra như sau: Đồng trụ chí kim đài dĩ (Tạm dịch: Cột đồng đến nay rêu đã xanh). Câu này có ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Tạm dịch: Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong). Trước vế đối ngạo mạn này, Giang Văn Minh ung dung đối lại: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Tạm dịch: Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ). Vế đối này vừa chỉnh vừa có ý nhắc lại người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng. Vế đối khẳng khái đó đã làm bẽ mặt vua Minh trước đông đảo văn võ bá quan của thiên triều và sứ bộ các nước. Vua Minh bừng bừng lửa giận, quên mất thể diện, bất chấp luật lệ bang giao, tức giận sai quân mổ bụng Giang Văn Minh xem “to gan lớn mật đến đâu”. Tuy trả thù hèn hạ và tàn độc như vậy nhưng vua Minh không thể không nể phục khí phách Giang Văn Minh nên đã hạ lệnh cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân rồi trả về Đại Việt.

Một câu chuyện đi sứ nữa liên quan đến Lưỡng Quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, quan Tể tướng thời Lê Trung Hưng. Ông còn được biết đến với danh xưng Trạng Bịu. Sinh năm 1651. Khi mới hơn 3 tuổi, Nguyễn Đăng Đạo đã được bác ruột là thám hoa Nguyễn Đăng Cảo cho đi theo tiếp sứ ngoại bang. Với sự thông minh sẵn có, Nguyễn Đăng Đạo đã làm kinh ngạc sứ nhà Thanh, khiến người này khen ông là “kỳ đồng”. Cũng chính từ sự kiện này nên có đôi câu đối về ông vẫn còn lưu truyền đến ngày nay: Tam tuế kỳ đồng kinh sứ Bắc/ Thập niên tể tướng trọng triều Nam (Tạm dịch: Ba tuổi kỳ đồng làm kinh ngạc sứ giả Bắc triều/ 10 năm làm tể tướng được triều đình nể trọng).

Năm Chính Hòa thứ tư đời vua Lê Hy Tông, tức năm Quý Hợi, 1683, khi 32 tuổi Nguyễn Đăng Đạo thi đình và đỗ Trạng nguyên. Với tài năng và đức độ, Nguyễn Đăng Đạo tiến nhanh trên quan lộ. Sau khi được bổ nhiệm vào làm việc ở tòa Đông Các, rồi Hàn Lâm viện, năm 1697 ông được bổ nhiệm chức Chánh sứ đi sứ Trung Hoa. Với tài ứng đối và thơ văn, Nguyễn Đăng Đạo đã khiến vua nhà Thanh thán phục và phong tặng là “Đệ nhất khôi nguyên” của Bắc Triều.

Danh nhân Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái, sinh năm 1606 mất năm 1661, người làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay là thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông là một vị quan thời Hậu Lê nổi tiếng với câu chuyện ung dung trên lầu cao, không những làm cho nước lớn thán phục khi vượt qua việc thử tài khi đi sứ mà còn qua đó học được nghề thêu về truyền cho người làng Quất Động. Tiến sỹ Đỗ Thị Hảo Chủ tịch Hội Văn học dân gian Hà Nội kể lại: “Dân gian truyền tụng khi ông đi sứ thì vua Tàu muốn thử tài ông, họ nhốt ông trên lầu cao và rút hết thang, không cho cơm ăn nước uống và nghĩ rằng thể nào ông cũng chết. Trên lầu cao, ông đi một vòng xem xét, thấy có cái tượng, thử nếm thì tượng đó được làm bằng oản. Ông rất mừng, hàng ngày bẻ dần để ăn, sống cho qua ngày. Nước uống thì lấy nước trên ban thờ, trời mưa thì ông hứng. Nhưng ông ngẫm, lương thực rồi cũng hết. Ông quan sát thấy có hai cái lọng thờ nên ông thử. Đầu tiên ông trèo lên tầng cầm lọng nhảy xuống thấy có sức cản. Ông lại nghĩ, nếu cầm hai lọng 2 tay nhảy xuống thì cũng chỉ bị thương nhẹ. Đến một hôm trời gió to, ông cầm hai cái lọng rồi nhảy xuống. Xứ Tàu nể tài ông và cho ông về nước. Cũng chính từ việc nghiên cứu hai cái lọng giúp ông đã biết cách thêu của người phương Bắc và sau đó về dạy cho dân làng Quất Động”.

Còn rất nhiều câu chuyện đi sứ nữa được sử sách ghi chép lại. Mỗi câu chuyện để lại những bài học quý giá. Trong lịch sử hàng nghìn năm phát triển không dễ dàng gì, người Việt ta luôn lấy hòa hiếu làm phép đối nhân xử thế: Hòa hiếu, tự chủ để có hòa bình thực sự, ngay cả trong những thời điểm hiểm nghèo nhất. Mềm mỏng, khoan hòa không có nghĩa là luồn cúi, cũng không phải là thế yếu mà nhiều khi buộc các đối tác phải tôn trọng và kính trọng ta hơn. Qua đó thể hiện tinh thần chủ đạo là luôn giữ sự hoà hiếu, không để nhục quốc thể và luôn giữ yên bờ cõi, lãnh thổ và để lại những bài học ý nghĩa sâu sắc cho muôn đời sau.