1. Lost Generation - "Thế Hệ Lạc Lõng" hay còn gọi là "Thế Hệ Đã Mất"

Theo nhân khẩu học, "Lost Generation" (Thế Hệ Đã Mất) dùng để chỉ thế hệ những người sinh từ năm 1883 đến 1900, trong thời gian xảy ra Thế chiến thứ I. Họ là cha mẹ của Thế Hệ Vĩ Đại Nhất (Greatest Generation) và Thế Hệ Im Lặng (Silent Generation). Người cuối cùng thuộc thế hệ này là cụ bà Nabi Tajima người Nhật Bản, được cho là sinh vào thế kỷ 19 và qua đời năm 2018 ở tuổi 118.

Thuật ngữ này được phổ biến rộng rãi nhờ Ernest Hemingway, ông đã dùng nó trong phần giới thiệu cho tiểu thuyết "The Sun also rises" (Mặt trời vẫn mọc) của mình. Hemingway cho rằng, thuật ngữ này là của Gertrude Stein, người đã dìu dắt và bảo trợ cho ông. Theo Hemingway, thực ra thuật ngữ này có nguồn gốc từ một người chủ ga-ra, người đã bảo dưỡng cho chiếc ô tô của Stein.

Khi một anh thợ máy trẻ tuổi nằm xuống sửa chữa chiếc xe để chiều ý Stein, ông chủ ga-ra đã nói với anh thợ: "Cậu đúng là thế hệ lạc lõng". Stein lúc đó đang nói chuyện với Hemingway, đã nói xen vào: "That is what you are. That's what you all are... all of you young people who served in the war. You are a lost generation." (tạm dịch: "Đấy là cậu. Đấy chính là cậu... Tất cả những người trẻ như cậu, những người đã phục vụ trong chiến tranh. Các cậu là thế hệ lạc lõng".

2. Greatest Generation - Thế Hệ Vĩ Đại Nhất, còn gọi là Thế Hệ G.I và Thế Hệ Chiến Tranh Thế Giới Thứ II

Là nhóm nhân khẩu học tiếp nối ngay sau Thế Hệ Lạc Lõng và trước Thế Hệ Im Lặng (Silent Generation). Thế hệ này là những người sinh từ năm 1901 đến năm 1927. Họ được định hình bởi cuộc Đại khủng hoảng (The Great Depression) và là những người tham gia chính trong Thế chiến thứ II. Sau chiến tranh, Thế Hệ Vĩ Đại Nhất là nhữnb bậc cha mẹ của Thế Hệ Im Lặng, những người sinh ra trong thời kì bùng nổ dân số.

3. Silent Generation – Thế Hệ Im Lặng

Thế Hệ Im Lặng đã đưa đạo đức làm việc mạnh mẽ của cha mẹ họ vào các nhà máy của xã hội công nghiệp hóa. Họ lớn lên trong khó khăn, bao gồm các cuộc khủng hoảng kinh tế và Thế chiến II. Họ coi có được công việc đã là đặc quyền và điều đó cho thấy, họ được coi là thế hệ giàu có nhất.

Họ có xu hướng kiên trì và quyết tâm, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cuộc sống trở nên tốt hơn. Nhiều người trong số họ đã phải cứng rắn và chịu đựng để kiếm sống trong những ngày đó đơn giản chỉ để sống sót. Họ thường bị buộc phải làm những công việc mình không yêu thích để có kế sinh nhai. Họ tôn trọng chính quyền. Lớn lên trong một môi trường gia trưởng, Thế Hệ Im Lặng được dạy để tôn trọng quyền lực. Họ tôn trọng sự phù hợp và sự bảo thủ được đánh giá cao.

Thế hệ Im Lặng là những người theo chủ nghĩa truyền thống, có xu hướng tiết kiệm. Đây không phải là những người sẽ thay thế chiếc xe hơi của mình vài năm một lần. Họ siêng năng, kiên định duy trì những gì họ sở hữu để kéo dài tuổi thọ tài sản.

4. Baby Boomers – Thế Hệ Bùng Nổ Dân Số

Thế Hệ Bùng Nổ Dân Số là nhóm nhân khẩu học tiếp sau Thế Hệ Im Lặng và ngay trước Thế Hệ X. Thế hệ này thường được định nghĩa là những cá nhân sinh từ năm 1946 đến 1964, trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh của thế giới sau Thế chiến thứ II. Sự bùng nổ dân số được mô tả theo nhiều cách như là "làn sóng xung kích”. Đa phần họ là bố mẹ của Thế Hệ Y (Millennials), một vài người trong đó là bố mẹ của Thế Hệ X.

Lớn lên trong một thế giới đầy những thành phố đang phát triển và gia đình đông con, họ tin rằng chỉ cần chăm chỉ làm việc thì sẽ có cuộc sống tốt hơn. Nhưng họ vất vả nhiều mà hưởng chẳng bao nhiêu, chủ yếu là lo cái ăn cái mặc và mong con cái học hành đỗ đạt để có thể đổi đời.

Thế Hệ Bùng Nổ Dân Số là một thế hệ chăm chỉ, họ coi trọng công việc dù gặp nhiều khó khăn. Họ cũng có mong muốn mạnh mẽ được tận hưởng một cuộc sống chất lượng cao hơn.

Một số đặc điểm chính của thế hệ này gồm:

  • Họ tôn trọng sự lựa chọn cá nhân.
  • Họ thấy việc tham gia vào các cộng đồng là cần thiết và thiết yếu.
  • Họ làm việc chăm chỉ để tìm kiếm sự thịnh vượng.
  • Họ có mong muốn cao độ trong việc sở hữu nhà cửa.
  • Họ có xu hướng tránh xung đột, mong muốn giao tiếp hòa nhã.
  • Họ thích nghi và dễ dàng thay đổi.
  • Đa số họ duy trì thái độ tích cực trong suốt cuộc đời mình.

Thế hệ này cũng bắt đầu các phong trào hướng tới quyền bình đẳng, họ hiểu áp lực của sự thất bại. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ để đạt được các mục tiêu mà họ đặt ra.

5. Generation X - Thế Hệ X, hay còn gọi là Thế Hệ Latchkey, Thế Hệ MTV

Thế Hệ X là những người sinh ra trong khoảng từ năm 1965 đến 1980, là nhóm nhân khẩu học nằm giữa Thế Hệ Bùng Nổ Dân Số và Thế Hệ Y. Hầu hết các thành viên Thế Hệ X là con của Thế Hệ Im Lặng (Silent Generation) và đa số là bố mẹ của thế hệ Z.

Thế hệ này đang ở độ tuổi 40 ngoài 50, và dành nhiều thời gian cho bản thân. Điều này làm nảy sinh và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh trong họ. Trên thực tế, có đến 55% các nhà sáng lập start-up thuộc thế hệ X. Thế Hệ X vẫn đọc báo, tạp chí, nghe radio và xem TV (họ xem khoảng 165 giờ TV mỗi tháng). Tuy nhiên, họ cũng am hiểu kỹ thuật số và dành khoảng 9 giờ một tuần cho Facebook. Gen X thực hiện một số nghiên cứu và quản lý tài chính trực tuyến, nhưng vẫn thích giao dịch trực tiếp.

6. Generation Y/Millennials – Thế Hệ Y hay còn gọi là Millennials

Là nhóm nhân khẩu học nằm giữa Thế Hệ X và Thế Hệ Z. Các nhà nghiên cứu và truyền thông phổ biến xem khoảng thời gian từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990, đầu thập niên 2000 (hoặc từ năm 1981 đến 1996) là khoảng thời gian sinh ra của nhóm này.

Thế Hệ Millennials còn được biết đến với tên gọi là “Echo Boomers” bởi vì sự gia tăng đột biến của tỉ lệ sinh giai đoạn từ thập niên 1980 đến thập niên 1990, và còn bởi đa số họ là con cái của Thế Hệ Bùng Nổ Dân Số. Thế hệ này có đặc điểm là, trong giai đoạn trưởng thành họ đã làm quen và gắn liền với thời đại thông tin, họ rất thoải mái trong việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội. Họ phần lớn là bố mẹ của Thế Hệ Alpha.

80% Thế Hệ Y vẫn xem TV, nhưng Netflix đã vượt qua các hạ tầng cáp truyền thống là nhà cung cấp chính, các dịch vụ phát trực tuyến là lựa chọn phổ biến của họ. Thế hệ này cực kì thoải mái với các thiết bị di động nhưng 32% vẫn sử dụng máy tính. Họ thường có nhiều tài khoản truyền thông xã hội.

Không giống như bố mẹ họ, Thế Hệ Y muốn làm việc trong một môi trường nơi họ cảm thấy thoải mái và được tôn trọng cái tôi. Họ mong muốn lịch trình linh hoạt, có thời gian nghỉ ngơi, và nắm bắt công nghệ mới nhất để giao tiếp. Thế Hệ Y cũng thành công khi có công việc ổn định, có cơ hội học tập.

7. Generation Z (Gen Z) - Thế hệ Z hay còn gọi iGeneration, Post-millennials, Homeland Generation

Thế Hệ Z là nhóm nhân khẩu học nằm giữa Thế Hệ Y và Thế Hệ Alpha. Từ năm 1995 đến 2012 là khoảng thời gian sinh ra của nhóm này. Hầu hết các thành viên của Thế Hệ Z là con của những người thuộc Thế Hệ X.

Thế Hệ Z là thế hệ đầu tiên ngay từ khi còn nhỏ đã được vây quanh bởi Internet và các thiết bị kỹ thuật số. Điện thoại thông minh, phương tiện truyền thông xã hội là những gì định hình nên Thế Hệ Z.

Thế hệ Z là đang chuẩn bị bước vào giai đoạn trở thành lực lượng lao động chính. Họ cũng muốn có ý nghĩa và chịu trách nhiệm. Họ cũng đòi hỏi lịch làm việc linh hoạt và phần lớn chọn công việc như những free-lancers.

8. Generation Alpha - Thế Hệ Alpha hay còn gọi là Screenagers (ghép từ "screen" mang nghĩa “thiết bị màn hình” và "agers" - Thế hệ tiếp cận với thiết bị màn hình và các thiết bị công nghệ)

Thế Hệ Alpha là nhóm nhân khẩu học nằm sau Thế Hệ Z. Các nhà nghiên cứu và các phương tiện truyền thông phổ biến xem khoảng thời gian từ đầu thập niên 2010 đến giữa thập niên 2020 (từ năm 2013 - 2025) là khoảng thời gian sinh ra của nhóm này.

Đặt theo tên chữ cái đầu tiên trong bảng chữ Hy Lạp, Thế Hệ Alpha là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ 3. Các thành viên của Thế Hệ Alpha là con cái của Thế Hệ Y, một số tthậm chí là con của Thế Hệ Z.

Thế Hệ Alpha đang lớn dần, sống trong một thời đại của công nghệ số, có thể máy tính bảng chính là bảo mẫu của họ, việc học sẽ được thực hiện phần lớn qua màn hình và các ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh. Công nghệ là cuộc sống của Thế Hệ Alpha, không có công nghệ, cuộc sống và học hành của họ khó có thể diễn ra.

Dự đoán có đến 50% dân số Thế Hệ Alpha sẽ tốt nghiệp đại học, 90% hoàn thành giáo dục bậc phổ thông so với 79,9% của thế hệ Z hiện tại.

Tính đến thời điểm hiện tại, các bạn trẻ thuộc thế hệ Alpha đang là nhóm người trẻ tuổi nhất. Còn trong tương lai, sau Thế Hệ Alpha có thể sẽ là những thế hệ mang tên Beta, Gamma, Delta…