Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội nằm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội diễn ra từ ngày 30/9 đến 02/10. Hoạt động này hứa hẹn sẽ đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với thị trường phía Bắc, trong đó trọng điểm thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận là một tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế khác biệt về du lịch. Về vị trí địa lý, Ninh Thuận nằm trên giao điểm của các trục giao thông quốc gia, có quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam đi qua. Ninh Thuận cũng có khí hậu ít mưa, nhiều nắng và ít chịu ảnh hưởng gió bão. Đặc biệt, đây là địa phương có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch khi sở hữu nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Hang Rái... Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình còn mang đậm nét rừng nguyên sinh. Trong đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Vịnh Vĩnh Hy là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam, hay nhiều di tích tháp Chăm cổ kính còn nguyên vẹn như: Tháp Pô Klông Garai, Tháp Pô Rômê, Tháp Hoà Lai... Đặc biệt là Lễ hội Katê độc đáo; dệt thổ cầm thủ công Mỹ nghiệp, làng nghề gốm Bàu Trúc cổ xưa nhất Đông Nam Á...

Nói về kế hoạch phát triển du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam thông tin, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 455.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới Ninh Thuận tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ngoài ra, Ninh Thuận phát triển 4 sản phẩm du lịch mới lạ: Khám phá và vui chơi giải trí Cát - Muối; săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; xây dựng 4 sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo và thương mại du lịch.

"Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi về đất đai, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký đầu tư kinh doanh tại Ninh Thuận. Đồng thời quan tâm chú trọng công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường để thu hút đầu tư vào Ninh Thuận", ông Trần Quốc Nam cho biết thêm.

Trong khuôn khổ sự kiện, tỉnh Ninh Thuận đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet; ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận và Sở Du lịch TP. Hà Nội; ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận với Hiệp hội Du lịch TP. Hà Nội và các địa phương; cùng nhiều chương trình hợp tác khác.

Tối 30/9, tại phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm cũng đã diễn ra lễ khai mạc “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” với hiều hoạt động đặc sắc như: biểu diễn nghệ thuật hát, múa, biểu diễn; giới thiệu nhạc cụ và giao lưu, hướng dẫn múa truyền thống, hướng dẫn nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; trưng bày ảnh đẹp về du lịch, văn hóa, danh lam thắng cảnh của Ninh Thuận...

Bên cạnh đó, Ngày Văn hóa - Du lịch Ninh Thuận năm 2022 còn có 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu về sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP sản phẩm du lịch, ẩm thực của tỉnh đến du khách.