Phóng viên: Thưa anh, cơ duyên nào đưa anh đến với vai diễn nhạc sỹ Trịnh Công Sơn?

Trần Lực: Thực ra mình không chủ động tìm đến bộ phim này. Bên công ty casting có gọi điện mời mình đi casting. Mình hỏi là “Tôi đóng vai gì? Vai trò như thế nào?”. Khi được biết mình sẽ thể hiện vai nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thì mình thấy thú vị, và đã bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để casting.

Phóng viên: Anh từng chia sẽ mình có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhạc sỹ. Vậy khi vào vai Trịnh Công Sơn anh có gặp khó khăn gì không?

Trần Lực: Rất tiếc là mình chưa có cơ duyên được gặp ông Trịnh Công Sơn ngoài đời, dù mình đã từng có thời điểm vào Sài Gòn lúc ông ấy còn sống. Nhưng lúc đó mình bận quá, phải đi đóng phim nên không thể cùng một số bạn bè đến gặp ông được. Nhưng trong quá trình chuẩn bị cho vai diễn này mình phải đọc rất nhiều, tìm hiểu nhiều tài liệu.

Ông ấy trên sân khấu thế nào thì ai cũng biết, nhưng mình muốn tìm hiểu và khắc họa một Trịnh Công Sơn đời thường. Thật tiếc khi xưa dù có cơ hội nhưng mình không kịp kết bạn với ông, để được ngồi hàn huyên uống rượu với nhau. Do đó, khi nhận công việc thể hiện vai diễn này, mình phải gặp gia đình của ông: chị Trịnh Vĩnh Trinh và những người từng chơi với ông ấy để nghe họ kể về ông... những câu chuyện đời thường nhất để giúp mình có những hình dung chính xác nhất.

286595704_10218257829352163_5754116158905126886_n_0.jpg

Thực ra thì thể hiện vai diễn này không có gì khó! Ông ấy là một con người có “chất nghệ sỹ” rất mạnh, hơi mong manh, một con người chân thật và chân thành, hơi mơ mộng. Chất “nghệ’ trong con người ông thể hiện rõ nhất qua các bài hát. Sự chân thành của ông cũng thể hiện qua các nhạc phẩm, yêu chân thành, ghét chân thành, phản đối chiến tranh cũng chân thành, không có gì hoa mỹ, màu mè cả... Với một diễn viên, đó là tất cả những hình dung của mình về nhân vật và mình cứ thế đem tất cả những điều đó vào vai diễn.

Phóng viên: Về tính cách thực sự ngoài đời, giữa Trần Lực và Trịnh Công Sơn có điểm gì giống nhau không?

Trần Lực: Bọn tôi đều là những người làm nghệ thuật, nên cái giống nhất là tâm hồn nghệ sỹ; nhìn cuộc đời một cách bay bổng, luôn thấy yêu đời và yêu người!

Phóng viên: Kể cả khi trải qua rất nhiều những điều không hài lòng, những nỗi buồn trong cuộc sống nhưng 2 người vẫn giữ được trọn vẹn sự yêu đời?

Trần Lực: Đúng vậy! Đấy là một trong những yếu tố thể hiện sự hồn nhiên, yêu đời của những người nghệ sỹ! Người ta hay nói các nghệ sỹ trẻ lâu vì thế, có tuổi những tâm hồn lúc nào cũng trẻ trung vì chúng tôi hồn nhiên yêu đời trong mọi tình huống, hoàn cảnh.

Phóng viên: Trong cuộc đời Trịnh Công Sơn khi đã luống tuổi có một câu chuyện: Sự tái ngộ giữa ông và bà Dao Ánh – một “nàng thơ” từng để lại trong cuộc đời ông nhiều nỗi ưu tư. Trong bộ phim “Em và Trịnh” có cảnh đó không? Anh đã thể hiện cảnh đó như thế nào?

Trần Lực: Có, trong phim này có cảnh đấy! Mọi người nên xem để xem chúng tôi đã thể hiện thế nào nhé (cười)! Khi thể hiện phân cảnh đó, tôi tìm cảm xúc bằng cách: Cảm giác như một người tĩnh cũ – cứ nghĩ rằng họ đã quên mình, bội bạc mình – nhưng rồi họ lại quay về. Bạn cứ hình dung, ông Trịnh Công Sơn gặp lại “nàng thơ” cũ từng đi qua cuộc đời mình, cảm xúc thấy vui như thế nào, hạnh phúc như thế nào! Trong phim, mình cùng với bạn diễn viên thể hiện vai Dao Ánh cố gắng lột tả điều đó: Ngồi hát cho nhau nghe, cười với nhau, khóc với nhau, tâm sự tâm tình cùng nhau... Rồi cuối cùng nàng lại đi mất, người nhạc sỹ của chúng ta lại một lần nữa trải qua sự hụt hẫng!

Phóng viên: Xin cảm ơn nghệ sỹ Trần Lực về những chia sẻ vừa rồi!