Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức (1974-2024), sáng 16/7, tại Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học "Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức - Nửa thế kỷ nhìn lại".

Tham dự hội thảo có Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện tỉnh Quảng Nam cùng đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, các tướng lĩnh quân đội và các nhân chứng.

Ngay khi Hiệp định Paris (27/01/1973) vừa ký kết, được sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền và quân đội Sài Gòn đã trắng trợn vi phạm Hiệp định, gấp rút điều chỉnh thế bố trí chiến lược trên toàn miền Nam và từng bước triển khai thực hiện “Kế hoạch tràn ngập lãnh thổ, phân tuyến, chia vùng, xóa thế “da báo”, lấn chiếm vùng giải phóng, bình định vùng chiếm đóng, đẩy lực lượng chủ lực ta ra khỏi vùng đồng bằng và đô thị.

Bước vào Hè - Thu năm 1974, thực hiện chủ trương của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức. Nhiệm vụ của Chiến dịch là tiêu diệt, làm tan rã lực lượng quân đồn trú ở khu vực Nông Sơn - Trung Phước và Chi khu quân sự - quận lỵ Thượng Đức, giải phóng nhân dân trên địa bàn, mở rộng vùng giải phóng và cải thiện thế phòng ngự.

Phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, trí tuệ và bản lĩnh của đội quân cách mạng, trải qua gần 40 ngày, đêm chiến đấu kiên cường, các lực lượng tham gia chiến dịch đã anh dũng chiến đấu, sáng tạo trong thực hành chiến dịch, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra, đập tan khu vực phòng thủ quan trọng của địch. Chiến thắng Thượng Đức đã khai thông quốc lộ 14 nối với đường Trường Sơn. Từ căn cứ miền núi các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang thông xuống Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang về Đà Nẵng, tạo thế liên hoàn vùng giải phóng ở đồng bằng và căn cứ địa miền núi rộng lớn, tạo thêm thế và lực mới cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức đã phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với chiến trường Khu 5 mà còn tác động trực tiếp, sâu sắc đến sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.

“Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức để lại nhiều bài học quý giá. Đó là bài học về: đánh giá, dự báo đúng tình hình; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo vào thực tiễn chiến trường” - Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn nhấn mạnh.

Là nhân chứng lịch sử trong chiến dịch này, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) - người trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu giành thắng lợi và cùng các lực lượng tổ chức đánh địch phản kích giữ vững Thượng Đức kể lại, thời điểm đó đề phòng Thượng Đức bị tấn công, địch bố trí trận địa hỏa lực, trận địa pháo tầm xa, pháo cơ động với 60 lần máy bay từ Đà Nẵng lên chi viện. Về lực lượng, địch huy động đến 10 tiểu đoàn bộ binh. Hỏa lực và lực lượng đồn trú sẵn sàng chi viện ứng cứu mạnh. Ngoài ra, chúng còn dồn trên 13.000 dân các xã lân cận vào ở xung quanh căn cứ, tạo thành “lá chắn sống” và dễ bề kìm kẹp. Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đã đặt cho Thượng Đức cái tên “mắt ngọc của đầu rồng”, “cánh cửa thép”, “con mắt thần” của Đà Nẵng. Tuy nhiên, với sự anh dũng và sáng tạo, quân và dân ta đã dành chiến thắng.

“Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức không chỉ mở ra "cánh cửa thép" bảo vệ phía Tây Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa về mặt chiến lược; tạo thế, tạo lực cho những chiến dịch có ý nghĩa quan trọng tiếp theo. Thắng lợi còn là cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh có những nhận định mới, đề ra những quyết sách mới nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhận định.

Còn theo PGS.TS Phạm Đức Kiên, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực III, Chiến thắng là minh chứng sống động cho vai trò quan trọng và dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy Khu 5, nhất là việc đánh giá đúng đặc điểm tình hình, tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, hạ quyết tâm "quyết chiến điểm" nhằm tạo đột phá chiến lược. Bên cạnh đó là quyết định lựa chọn hướng tấn công trọng điểm hiểm, sắc, chọc thủng tuyến phòng thủ của địch, khi chọn Nông Sơn làm trận mở đầu then chốt.

50 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Với 60 tham luận từ các nguồn tài liệu tin cậy, Hội thảo khoa học "Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức - Nửa thế kỷ nhìn lại" đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn cách mạng hiện nay.