Phát biểu khai mạc sự kiện, đồng chí Trần Song Tùng - PCT UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tọa đàm là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, Tràng An đã khẳng định được là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam và trên toàn thế giới, là nơi kết hợp một cách hài hòa giữa vẻ đẹp tự nhiên và những giá trị lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
“Với lợi thế tài nguyên tự nhiên và nhân văn sâu sắc của vùng đất cố đô Hoa Lư, cùng các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan tự nhiên và văn hóa, việc phát triển các sản phẩm du lịch Di sản tại Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ thuần túy là phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch và phát triển kinh tế du lịch mà còn là nhân tố để Tràng An thực sự là mạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người, là trung tâm, nền tảng để xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai không xa” - ông Trần Song Tùng khẳng định.
Quần thể danh thắng Tràng An là nơi lưu giữ bảo tồn các di tích khảo cổ học Tiền sơ sử và di tích lịch sử văn hóa với nhiều dấu tích về lịch sử nhân loại, dân tộc trong nền cảnh địa chất, địa mạo riêng có với hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, có vẻ đẹp hết sức riêng biệt và độc đáo. Đồng thời là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn ghi lại sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi, lưu giữ một truyền thống cư trú của con người, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.
Những vấn đề đặt ra đối với Quần thể Danh thắng Tràng An được Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình lưu ý: Ninh Bình, có một không gian bảo tồn khá nguyên trạng những giá trị lịch sử địa chất, địa mạo cùng với những giá trị về lịch sử sự sống, lịch sử tiến hóa của loài người, lịch sử của tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật... Xu hướng lượng khách du lịch khá lớn muốn tiếp cận với di tích khảo cổ, viêc bảo tồn di tích khảo cổ, tạo không gian (hành lang bảo vệ) cho khách du lịch tiếp cận được di tích, hiểu được giá trị của di tích mà không làm ảnh hưởng tiêu cực tới di tích cần thực hiện bài bản, công phu, có đầu tư lớn, cần được khuyến khích đầu tư.
“Chúng ta bảo tồn để phát triển chứ không phải đóng băng di tích, hàng ngày di tích cần có người chăm nom, theo dõi đánh giá tác động của môi trường từ đó mới có biện pháp bảo vệ tốt. Giá trị của di tích cũng cần nhiều người nhận biết được thông qua chương trình diễn giải giá trị của di sản. Chỉ khi cộng đồng địa phương và nhiều người khác biết đến giá trị của di tích thì cùng chung sức bảo vệ di tích tốt hơn”, ông Nguyễn Cao Tấn - PGĐ Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết.
Toạ đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thể xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch Di sản tốt nhất dựa trên các di tích, di vật khảo cổ học kết hợp trải nghiệm dân tộc học.
Theo TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, đặt Di sản UNESCO Tràng An trong bối cảnh tương tác chung, việc ứng dụng các thành tựu media hiện đại kết hợp với tạo dựng truyền thống để tạo ra những sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn mang tính giáo dục cao: ví dụ Khe Cốc và hành cung Vũ Lâm, Chùa, động Vân Phong… Phục hồi cách sống tiền sử, lịch sử: Tạo công cụ, chế gốm, đan lát tre nứa, chế tạo dụng cụ bẫy thú, bắt cá, chế biến thức ăn tiền sử (quả củ, nhuyễn thể, cá, côn trùng, thú nhỏ…) kèm theo các sản phẩm có thể mang về: vòng, chuỗi vỏ sò ốc, xương thú fashion cao cấp hay các loại hình ấn phẩm cao cấp liên quan đến di sản địa phương đáp ứng như cầu giải trí mang tính khoa học cao cho cả trẻ em và người lớn bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh và Trung; Phục dựng lối sống kinh đô Hoa Lư và hành cung Vũ Lâm (cả đi lại lẫn sinh hoạt, trang phục cung đình)… sẽ giúp Ninh Bình biến tiềm năng di sản thành tài sản du lịch
TS Lê Thị Liên, hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, mặc dù lượng khách tới thăm khu di sản Tràng An đã tăng nhanh sau khi được vinh danh là di sản thế giới nhưng điểm đến của phân khúc thị trường du lịch văn hóa vẫn chủ yếu là khu vực cố đô Hoa Lư. Trải nghiệm chủ yếu vẫn là thăm các công trình lịch sử, đền, chùa, thưởng thức các sự kiện văn hóa, lễ hội. Một số điểm du lịch hang động (Thung Bình, Hang Mòi…) đã bắt đầu được chỉnh trang để mở cửa cho khách thăm. Tuy nhiên, các gói sản phẩm chuyên biệt cho các loại hình di tích này chưa thực sự được xây dựng hoặc mới được đặt ra trên cơ sở nhu cầu của các nhiệm vụ riêng biệt liên quan đến việc nghiên cứu, đánh giá di sản.
Ngoài ra, các khách du lịch thiên nhiên, sinh thái hoặc tâm linh, tôn giáo cũng mới phần lớn chiêm ngưỡng di sản một cách thụ động (ngồi trên thuyền tam bản, đi thăm viếng các di tích đền chùa) mà chưa thực sự có cơ hội trải nghiệm các nội dung kết hợp khảo cổ học – các biến động tự nhiên… Vì thế, TS Lê Thị Liên đề xuất một số sản phẩm du lịch khảo cổ học cho khu di sản Tràng An mà các sản phẩm này đều nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững, tránh các tác động ngược tới mục tiêu bảo tồn các di sản văn hóa: Thăm các di chỉ hang động Tiền sử, các di chỉ khảo cổ học lịch sử, tổ chức cắm trại, trải nghiệm không gian lịch sử kết hợp với các trải nghiệm thiên nhiên và sinh thái…
Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho rằng, trong tương lai những di tích khảo cổ cần tiếp tục được nhận diện, nghiên cứu, bảo tồn tốt, đặc biệt cần được phát huy tốt giá trị. Trong đó có việc khuyến khích phát triển du lịch xanh, tạo xu hướng phát triển bền vững. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách để cộng đồng địa phương, thực sự gắn bó với di sản, có trách nhiệm cùng bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản. Khuyến khích bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể gắn với việc phát triển sản phẩm nông nghiệp địa phương (Phục hồi nghi lễ tế tam sinh trâu-dê-lợn trong lễ hội Hoa Lư, là một ví dụ)
Bên cạnh đó, cần đổi mới trong những cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hoá, xây dựng hành lang pháp lý cho việc bảo tồn di sản, phát huy giá trị di sản; Đổi mới trong việc xây dựng nguồn nhân lực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản (nhân sự làm nghiên cứu khoa học bảo tồn, lực lượng thuyết minh giới thiệu giá trị di sản chuyên nghiệp); Đổi mới hình thức diễn giải giá trị di sản, áp dụng công nghệ hiện đại, bước đầu đã làm một phần nhỏ ở khu di tích Hoa Lư (công nghệ trình chiếu Mapping) cho thấy có hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch. Trong tương lai cần kết hợp với việc trải nghiệm dân tộc học, từ quá khứ đến hiện tại để tăng phần hấp dẫn thu hút khách du lịch... là việc làm cần thiết.
Ngoài ra, công tác bảo tồn tốt bối cảnh không gian di tích, không gian sống của người tiền sử bên những hang động, mái đá, thung lũng cần có thêm những tượng sáp để cuốn hút du khách cũng như dễ mường tượng về cuộc sống của người tiền sử. Khu di tích cố đô Hoa Lư cần có thêm những sa bàn giới thiệu toàn cảnh sinh động, các tuyến tường thành cần làm nổi bật thông qua khai quật phục hồi cũng như bối cảnh không gian của chúng, có cửa thành (cửa bộ, cửa nước), không gian quy hoạch khu hoàng thành, cấm thành, cung điện cùng bối cảnh cuộc sống của cư dân thế kỷ 10 cũng cần được nhận diện, phục hồi.