Năm 2014, phim “Cô gái mất tích” (Gone Girl) từng gây bão khi khắc họa màn “trả thù đàn ông” vô cùng tinh vi. Phim thu về 3 đề cử Quả cầu Vàng, 1 đề cử Oscar, doanh thu toàn cầu hơn 360 triệu đô-la Mỹ. Thành công của “Cô gái mất tích” cho thấy, “trả thù đàn ông” là một chủ đề được người hâm mộ điện ảnh yêu thích. “Cô gái trẻ hứa hẹn” đi đúng theo công thức thành công ấy.

Ngay ở những giây đầu tiên, phim thu hút người xem bằng câu chuyện cô gái trẻ xinh đẹp, mỗi cuối tuần đều tìm đến các quán rượu, giả vờ say mèm để “đặt bẫy” những gã đàn ông sở khanh. Khi những kẻ ấy chuẩn bị ra tay thì cô gái bất ngờ tỉnh táo và vạch trần trò đồi bại, khiến bất cứ gã đàn ông nào cũng phải khiếp đảm trước tình thế kẻ săn mồi - con mồi bị đảo ngược.

Tiếp đó, phim dần tiết lộ cuộc sống của Cassie (do Carey Mulligan thủ vai) và lý do cô trở thành người như thế. Tổn thương tâm lý của Cassie là do phải chứng kiến số phận thương tâm của Nina, người bạn thân học cùng trường năm xưa bị những gã đàn ông tồi tệ hãm hại. Đáng giận hơn, những kẻ đó không phải chịu bất cứ hình phạt nào. Cassie bèn lên kế hoạch bắt tất cả những gã đàn ông hủy hoại cuộc đời một "cô gái trẻ hứa hẹn" như Nina phải trả giá.

Câu chuyện trong phim tưởng chừng bị cực đoan hóa nhưng thực tế lột tả những trải nghiệm thường ngày của nữ giới. Carey Mulligan chia sẻ: “Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn chỉ ra những điều mà văn hóa chúng ta coi như bình thường, thế nhưng lại không hề bình thường chút nào. Nghệ thuật, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thảo luận xã hội. Tôi mong bộ phim này sẽ khiến ai đó nhìn nhận lại bản thân và đóng góp phần nào cho đấu tranh bình đẳng giới”.

Đột nhiên, sự xuất hiện của một anh bạn học cũ, người vẫn luôn chân thành thầm mến Cassie từ nhiều năm khiến cô dần thay đổi. Ngay khi tưởng như bộ phim chuyển sang thể loại tình cảm lãng mạn thì một bước ngoặt bất ngờ xảy ra, đẩy câu chuyện tới những biến chuyển không thể lường trước.

“Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn” pha trộn các thể loại khác nhau, mở đầu bằng giật gân, rải rác chất hài đen, tiếp nối bằng chính kịch, lãng mạn và cuối cùng kết thúc bằng sự trở lại của giật gân. Cái kết của phim theo cách không ai ngờ đến để lại trong tâm trí người xem cảm giác sững sờ, ám ảnh.

“Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn” thể hiện ẩn ý về trào lưu nữ quyền đang thịnh hành ở Hollywood. Bộ phim góp tiếng nói ủng hộ trào lưu #MeToo. Phim cũng chạm sâu vào những định kiến giới phổ biến âm thầm được công nhận trong xã hội. Đạo diễn Emerald Fennell chia sẻ, cô đã lần giở chính những trải nghiệm của bản thân để lấy cảm hứng chấp chút kịch bản phim.

“Tôi muốn làm một bộ phim về văn hóa phân biệt giới tính độc hại mà tất cả chúng ta đang ngầm đồng tình", nữ đạo diễn sinh năm 1985 chia sẻ. "Điều quan trọng nhất với tôi là, người ta đang nhìn nhận vấn đề đó như một điều bình thường, không có gì cần thay đổi. Tôi không muốn thể hiện quan điểm bản thân bằng những chi tiết phạm tội bạo lực ghê gớm, mà chú trọng hơn đến những nút thắt trong văn hóa mà chúng ta cần tháo gỡ".

Emerald Fennell cũng xác định rõ, tính nữ quyền trong phim cần được thể hiện đậm nét trong từng chi tiết, đặc biệt là phần âm nhạc: “Tôi muốn có một album nhạc phim cực kì nữ tính. Tôi muốn dùng nhạc pop, đặc biệt là âm nhạc của Britney Spears hay Paris Hilton. Âm nhạc trong phim sẽ rất quyến rũ và ngầm khai thác những thứ mà văn hóa chúng ta đánh giá là cao đẹp hoặc không. Tôi đưa vào nhiều ca khúc quen thuộc với khán giả như bản hit “Stars Are Blind” của Paris Hilton, phiên bản không lời ca khúc "Toxic" của Britney Spears do nhạc sĩ Anthony Willis phối lại”.

Phim “Cô gái trẻ hứa hẹn” được CGV phát hành tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 02/04.