Bộ phim “Đất rừng phương Nam” được thực hiện bởi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film), Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân, Công ty Cổ phần Galaxy Play và Công ty TNHH Trấn Thành Town sản xuất năm 2023. Phim kể về hành trình phiêu lưu của An, cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha. Giai đoạn 1920-1930, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước còn tổ chức rời rạc. Sau khi Đảng ra đời, các tổ chức được tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu cụ thể. Định hướng câu chuyện là xây dựng nhân vật Hai Thành - cha của An cùng hội của ông sẽ là những thành viên gia nhập Việt Minh về sau. Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm phim truyền hình nổi tiếng “Đất phương Nam” sản xuất năm 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Bộ phim với âm hưởng chủ đạo là tinh thần yêu nước, chống phong kiến, đế quốc thực dân ở khu vực Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, khi phim được công bố, bên cạnh những hình ảnh đẹp, giàu cảm xúc thì dư luận cho rằng, bộ phim có một số chi tiết sai lệch lịch sử, gây hiểu lầm. Cụ thể, chi tiết gây tranh cãi nhiều nhất là trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến tên “Nghĩa Hòa đoàn” và “Thiên Địa hội”. Theo một số chuyên gia, đây là 2 cái tên trùng với những tổ chức liên quan đến phong trào và hội nhóm từ thời nhà Thanh của Trung Quốc. Chính từ 2 cái tên này gây tranh cãi và nghi ngại về sự sai lệch lịch sử trong công chúng.
Ngay sau khi có thông tin, Bộ VH,TT&DL đã chỉ đạo Cục Điện ảnh, trực tiếp là Hội đồng thẩm định, phân loại phim cùng một số cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành thẩm định lại bộ phim “Đất rừng Phương Nam”. Cục Điện ảnh ngay sau đó cũng đã mời nhà sản xuất, đoàn phim đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim.
Theo lý giải từ nhà sản xuất, hai cái tên “Thiên Địa hội” và “Nghĩa Hòa đoàn” là hội nhóm tập hợp bởi một số người dân lao động sinh sống chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên - hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng lãnh đạo ở Trung Quốc. Thiên Địa hội cũng như Nghĩa Hòa đoàn chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL) cho rằng: “Đây là bộ phim truyện, với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim. Bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer…. Bộ phim “Đất rừng phương Nam” có biên tập tương đồng với phim truyền hình “Đất phương Nam, lấy bối cảnh phim từ những năm 1920-1930, trong khi tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945. Lý do thay đổi vì bộ phim muốn mô tả ở phần một này bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, nhiều bang hội cũng như nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau…”.
Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm, Cục Điện ảnh cũng đã yêu cầu nhà sản xuất bỏ tên và lời thoại liên quan đến "Thiên Địa hội", "Nghĩa Hòa đoàn" và thay bằng tên gọi khác là “Chính Nghĩa hội” và “Nam Hòa đoàn”. Cùng với đó, điều chỉnh dòng chữ: "Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi" lên đầu phim nhằm làm rõ hơn ý đồ của nhà làm phim về sự thay đổi mốc thời gian trong tác phẩm văn học, theo sát hơn bản phim truyền hình vốn đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.
Trước yêu cầu của Cục Điện ảnh, nhà sản xuất, đoàn làm phim “Đất rừng phương Nam” cam kết sẽ khẩn trương chỉnh sửa nội dung thoại, tránh những liên tưởng không đúng ảnh hưởng đến nội dung phim. Sau khi chỉnh sửa sẽ trình lên Cục Điện ảnh trước khi ra rạp chính thức từ ngày 20/10/2023.
Một trong những điều gây tranh cãi nữa của bộ phim đó là trang phục trong poster quảng bá phim được cho là không phải trang phục đặc trưng của đồng bào miền Nam giai đoạn đó mà giống của người Hoa nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số nhà phê bình điện ảnh cho rằng, giai đoạn đầu thế kỷ XX, ở Nam kỳ trước năm 30 sự cộng cư và hỗn dung văn hóa giữa Việt – Hoa – Khmer là rất rõ, sự giao thoa giữa các sắc dân diễn ra phổ biến, trong đó người Hoa chiếm số lượng đông đảo nên việc trang phục có thể giao thoa cũng là điều có thể chấp nhận được.
Theo thông tin riêng của VOV2, trong ngày 16/10, lịch các suất chiếu sớm của bộ phim "Đất rừng phương Nam" vẫn diễn ra bình thường tại nhiều rạp ở Hà Nội như CGV Vincom Long Biên, CGV Vincom Sky Lake Phạm Hùng, CGV Vincom Trần Duy Hưng… Trao đổi với VOV2 về vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: “Phim không vi phạm Luật Điện ảnh và đã được cấp giấy phép. Những chỉnh sửa như yêu cầu là để tránh việc liên tưởng không phù hợp và sẽ phải hoàn thành trước khi ra rạp chính thức (tức ngày 20/10 - PV)”.