Tại lễ khai mạc Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 được tổ chức ở công viên Thống Nhất (Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội) món ăn biểu tượng của Thủ đô - “Phở Hà Nội” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phát biểu tại sự kiện, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội tự hào là địa phương có số lượng di sản lớn của cả nước, phong phú cả bề rộng, chiều sâu, có sự hòa nhập của văn hóa Thăng Long với các vùng văn hóa xứ Đoài, xứ Đông, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng.

"Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng chủ thể và những người yêu thích ẩm thực. Sự ghi danh di sản cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Phở Hà Nội", bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã trình hồ sơ đề nghị ghi danh “Phở Hà Nội” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều sử liệu ghi chép lại món “phở” tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỉ XX. Từ năm 1907 đến 1910. Phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường Hà Nội.

Theo hồ sơ thành phố Hà Nội đề xuất, chủ thể của món phở là những cá nhân, gia đình trực tiếp thực hành và nắm giữ những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết chế biến phở; được trao truyền qua nhiều thế hệ thể hiện yếu tố tiếp nối bản sắc và thương hiệu được ghi nhận.

Thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đến năm 2023, Thủ đô có gần 700 cửa hàng phở, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên. Trong đó, các thương hiệu phở gia truyền đã tồn tại qua hơn hai thế hệ như: Phở Thìn, Phở Bát Đàn, Phở Lý Quốc Sư... trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực không thể thiếu của Hà Nội.

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, sau khi “Phở Hà Nội” chính thức được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh loạt giải pháp như: Tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu về di sản Phở, chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, có ý thức tổ chức và giữ gìn, phát triển nghề nấu phở bền vững, xây dựng thương hiệu Phở Hà Nội. Đặc biệt Sở sẽ triển khai việc tư liệu hóa di sản qua phỏng vấn, ghi âm, ghi hình quy trình thực hành di sản của những chủ quán phở là nghệ nhân nấu phở lâu năm, trong gia đình nhiều đời thực hành nghề, có uy tín được cộng đồng bình chọn. Đồng thời, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về Phở nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Phở Hà Nội".

Một trong những điểm nhấn của Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 là chương trình Phở số Hà Thành. Đây là một sáng tạo độc đáo kết hợp giữa ẩm thực truyền thống và công nghệ. Qua đó, phở truyền thống không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển, lan tỏa mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ số. Đây cũng là sản phẩm sáng tạo của Hà Nội trong ngành công nghiệp văn hóa.

Trong khuôn khổ lễ hội, còn có các hoạt động giới thiệu, quảng bá, trình diễn ẩm thực và di sản truyền thống, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại, biểu diễn nghệ thuật, toạ đàm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa ẩm thực… Thời gian hoạt động các gian hàng từ 9h00 đến 22h00 để phục vụ du khách.