Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1769/QĐ-TTg ban hành tháng 10/2021, với chỉ đạo, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt được đặc biệt ghi nhận trong chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt được ghi nhận là 1 trong 2 cung đường sắt leo núi duy nhất trên thế giới chạy bằng bánh răng cưa cùng với Pinlatus-Bahn tại Thụy Sĩ.

Tháng 3/1899, theo đề nghị của bác sĩ Yersin, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Paul Doumer tới thị sát cao nguyên Langbiang với mục đích để xây dựng Đà Lạt thành khu nghỉ dưỡng. Năm 1901, Paul Doumer kí sắc lệnh lập tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Tuy nhiên, mãi 10 năm sau, dưới thời của toàn quyền Albert Sarraut, hai dự án trên mới được xúc tiến.

Đến năm 1932, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với tổng chiều dài 84km; qua 9 nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, 2 cầu lớn, 2 đèo cao là Ngoạn Mục và Đran chính thức hoàn thành với tổng chi phí hết hơn 200 triệu Franc. Tuyến đường có 3 đoạn phải chạy trên những đoạn đường sắt răng cưa với độ dốc 12% (trong khi độ dốc tuyến đường ở đèo Furka tương tự bên Thụy sĩ tối đa là 11,8%) gồm Sông Pha-Eo Gió (độ cao từ 186m đến 991m), Đơn Dương - Trạm Hành (cao 1016m đến 1515m), Đa Thọ - Trại Mát (cao từ 1402m đến 1550m). Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài nhất và độc đáo nhất không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của ngành công nghiệp đường sắt thế giới. Tuy nhiên, sau năm 1975, tuyến đường sắt này đã bị dừng hoạt động và tháo dỡ, mang đến nhiều nuối tiếc cho du khách cũng như người dân địa phương.

Kể từ năm 2020, Công ty CP Giải pháp Kinh doanh Corex cùng với Tập đoàn Du lịch Crystal Bay khởi động nghiên cứu dự án khôi phục tuyến đường sắt di sản Phan Rang – Đà Lạt. Việc phục hồi, phát triển và khai thác công trình di sản quốc gia này không chỉ có ý nghĩa bảo tồn di sản lịch sử mà còn mang tới nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, nâng tầm du lịch quốc gia, từ đó góp phần phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa - xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua. Và kết quả của việc nghiên cứu đã được hiện thực hóa qua lễ ký kết hợp tác chiến lược “Khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt” giữa Tập đoàn Du lịch Crystal Bay và Công ty CP Giải pháp Kinh doanh Corex (Corex), Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TRICC).

Phát biểu tại lễ ký kết, bà Nguyễn Hoài Thu – Chủ tịch HĐQT Corex chia sẻ: “Phục hồi tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt giúp nâng tầm du lịch, thu hút du khách trải nghiệm, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua, trong đó đặc biệt là Lâm Đồng với thế mạnh du lịch cảnh quan núi và Ninh Thuận với du lịch biển”.

Theo kế hoạch, dự án sẽ phục hồi nguyên trạng chiều dài tuyến đường sắt cổ này, với cung đường dài 84km, được chia làm 17 trạm dừng, 6 trạm chính; khu vực nhà ga của từng trạm sẽ được thiết kế, xây dựng thành các điểm đến trải nghiệm với câu chuyện độc đáo của văn hoá bản địa cùng các sản phẩm du lịch cao cấp nhằm cung cấp các dịch vụ di chuyển bằng tàu cho du khách tham quan, trải nghiệm văn hóa, lịch sử. Khi hoàn thành, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt sẽ là chuyến tàu di sản của Đông Dương - chuyến tàu tương tác văn hóa đầu tiên trên thế giới. Chuyến tàu đặc biệt này được kỳ vọng sẽ như một “sân khấu sống, bảo tàng sống”, đưa du khách ngược dòng thời gian, đắm chìm, tương tác và sống lại thời kỳ văn hóa của hơn 100 năm trước.

Đánh giá về tiềm năng của dự án, ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch Tập đoàn Du lịch Crystal Bay cho biết: Tuyến đường sắt di sản Phan Rang – Đà Lạt sẽ là một mảnh ghép vô cùng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của “Tam giác du lịch Khánh Hòa – Lâm Đồng – Ninh Thuận” trong tương lai. "Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2030, “Tam giác du lịch” này với khu vực trung tâm là Ninh Thuận sẽ đón hơn 50 triệu khách du lịch. Trong đó, tuyến đường sắt với các trải nghiệm mới lạ sẽ thu hút và phục vụ hơn 5 triệu khách mỗi năm sử dụng các dịch vụ du lịch trải nghiệm trên và dọc theo tuyến đường sắt răng cưa độc đáo Phan Rang - Đà Lạt”.