Theo sử sách, Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Tương truyền ông là học trò của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nổi tiếng là người có văn tài, kiêm thông cả thuật số, nhưng ông không đi thi và không chịu ra làm quan triều Mạc.

Đầu đời vua Lê Trung Tông (năm 1548 - 1556), ông theo Lê Bá Lỵ tham gia công cuộc phù Lê diệt Mạc. Năm Đinh Tỵ (1557), Phùng Khắc Khoan đỗ đầu khoa thi Hương ở Yên Định (Thanh Hóa) lúc 29 tuổi. Thái sư Trịnh Kiểm biết ông là người có mưu lược, có học thức uyên bác cho giữ chức Ký lục ở ngự dinh, trông coi quân dân bốn vệ, và cho tham dự việc cơ mật. Năm Canh Thìn đời Lê Thế Tông, bắt đầu mở thi Hội ở Vạn Lại (Thanh Hóa), ông xin dự thi và đỗ Hoàng giáp. Bấy giờ từ địa lý đến nhân văn, ông đều tinh tường. Trong triều, ngoài nội ai cũng tôn gọi ông là Trạng Bùng.

Lúc giữ chức Công bộ Tả thị lang, Phùng Khắc Khoan được cử đi sứ phương Bắc. Lúc ấy, quyền thần nhà Minh vì ủng hộ nhà Mạc mà không thừa nhận nhà Lê trung hưng. Vì thế, đoàn của ông đi đến Nam Quan thì bị ngăn lại. Ông đã đấu lý và cả đút lót vàng, bạc thì cửa ải mới được mở. Hành trình gian nan của đoàn sứ từ tháng 7 năm Đinh Dậu đến tháng 8 năm sau mới đến Yên Kinh.

Đến Yên Kinh, Đoàn sứ thần phải tạm trú trong 5 tháng liền mà không được bàn đến việc chính là sang xin cầu phong cho Vua Lê Thế Tông. Ông đã mềm mỏng, ôn hòa và cương quyết buộc quan nhà Minh phải tổ chức để ông được dâng biểu cầu phong của Vua Lê lên Vua Minh. PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng "bằng bản lĩnh và tài ngoại giao khéo léo của Phùng Khắc Khoan, cuối cùng vua quan nhà Minh phải coi nhà Lê là chính thống và phong cho vua Lê làm An Nam Quốc Vương".

Cũng trong chuyến đi sứ gian nan này, Phùng Khắc Khoan luôn tìm hiểu cách làm ăn của người dân ở mỗi địa phương đi qua, nhằm sau này giúp cho dân mình khi trở về nước. Một trong số đó phải kể đến việc ông đã học được cách dệt lượt. Nghề nuôi tằm dệt tơ của ta có từ lâu đời nhưng buổi đầu ta chỉ mới biết dệt lụa, cao nhất là lụa đậu, còn gấm, vóc, the, lượt thì phải mua ở ngoài.

Lúc bấy giờ, Đoàn sứ thần khi trên đường đi qua đất Thục là nơi có nghề dệt lượt truyền thống nổi tiếng. Phùng Khắc Khoan đã xin cho Đoàn sứ thần vào nghỉ nhờ ở một làng trong đó, cốt để xem xét và học cách làm của họ. Ông Trịnh Quốc Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, Trạng Bùng đã ra sức tìm hiểu rồi học cách làm của họ từ tạo khung dệt, cách nhuộm màu đến mắc go và thủ thuật đưa thoi, kết sợi. "Sau khi về nước, Phùng Khắc Khoan đã dành thời gian đi đến các làng nuôi tằm, dệt tơ đem kỹ thuật làm vải lượt truyền cho nhân dân. Nhờ đó, các làng dệt ven sông Tô như Nghi Tàm, Trúc Bạch, Yên Thái, Bái An, Trích Sài… cho đến vùng ven sông Nhuệ, có nhiều gia đình biết dệt lượt".

Sau này, nơi tiếp thu và phát huy tốt nhất kỹ thuật của nghề này là vùng sông Nhuệ. Lượt ở đây mỏng, nhẹ, mịn màng, mặc vào trông thướt tha, thanh quý. Nhân dân lấy tên quan Trạng đặt cho vải lượt mình dệt, gọi là lượt Bùng.

Không những thế, trên đường về nước, đoàn sứ của Phùng Khắc Khoan vượt sông Dương Tử, đi qua một vùng mênh mông những đồng, bãi trồng hoa màu, chỗ nào ông cũng thấy trồng một thứ cây xanh ngắt một màu. Lân la dò hỏi, ông mới biết đó là “ngọc mễ” (tức ngô), thứ ngũ cốc hạt to gấp mấy lần hạt gạo, ăn thay gạo rất bùi. Ông liền cho đoàn xin vào nghỉ nhờ ở một làng gần đó, được dân mời thưởng thức những món ngon từ ngô. Ông nghĩ bụng, người dân ở đây có tới hàng vạn, hàng triệu người sống bằng thứ “gạo ngọc” quý giá này, vậy phải tìm cách đưa về nước trồng. Theo PGS, TS Đỗ Thị Hảo, Nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, bằng sự thông minh, tài trí của mình, ông đã đem được giống ngô của phương Bắc về cho nhân dân ta trồng.

Khi đã trí sĩ (tức về hưu) ở tuổi gần 80, ông còn tổ chức đào mương dẫn nước ở các cánh đồng quanh núi Thầy, đưa nước về tưới cho các cánh đồng Phùng Xá, Hoàng Xá. Nhờ đó mà ruộng vườn nơi đây quanh năm tươi tốt.

Có thể nói, Phùng Khắc Khoan luôn hết lòng vì dân. Chính vì vậy, dù đỗ Hoàng giáp mà không đỗ Trạng nguyên nhưng dân gian phục tài trí và tấm lòng của ông nên gọi ông là Trạng Bùng với hàm ý coi ông là trạng nguyên của làng Bùng.

Mời nghe âm thanh tại đây: