Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự thuộc Trung ương Cục.

Kể từ ngày thành lập cho đến khi kết thúc sứ mệnh lịch sử vào ngày 7/7/1976, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Quân đội giao phó, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, phát triển lực lượng, từ tác chiến quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn lên hiệp đồng binh chủng quy mô lớn…

Quân giải phóng miền Nam ra đời đã lập nên nhiều chiến công, ghi đậm dấu ấn lịch sử như: Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Vạn Tường, Plây Me; đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 – 1966; 1966 – 1967, tạo tiền đề quan trọng để Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, làm nên bước ngoặt của cuộc chiến tranh, buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Quân giải phóng miền Nam đã đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn-xi-ty (Junction City) đầy tham vọng của Mỹ ngụy, giành thắng lợi trong cuộc phản công chiến lược 1972, góp phần quan trọng buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Từ đó cùng quân dân cả nước đi đến thắng lợi trong Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

PV VOV2 đã phỏng vấn PGS.TS Vũ Quang Hiển, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về nội dung này - Mời quý vị và các bạn cùng nghe:

PV: Thưa ông, Quân giải phóng miền Nam được thành lập trong bối cảnh như thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Sự ra đời của Quân giải phóng gắn liền với bối cảnh trong nước và quốc tế khá là đặc biệt lúc bấy giờ. Trước hết là tình hình trong nước, cuối năm 1959 và năm 1960, dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của BCH TW Đảng, CMMN nổ ra 1 phong trào Đồng Khởi và thắng lợi phong trào Đồng Khởi đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến dịch cách mạng. Từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang.

Muốn giành thắng lợi trong chiến tranh thì phải có sức mạnh vật chất và tinh thần mạnh hơn đối phương. Chiến tranh càng phát triển bao nhiêu thì vai trò của lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, là lực lượng vũ trang chính quy tập trung vì đây là lực lượng giữ vai trò quyết định trong việc tiêu diệt lực lượng quân sự của đối phương, làm thất bại âm mưu quân sự của địch và thông qua đó làm thất bại âm mưu chính trị.

Bởi vậy cần thiết phải xây dựng 1 lực lượng vũ tranh cách mạng vững mạnh, 1 đội quân chính quy hùng mạnh ở miền Nam. Đấy là yêu cầu để đưa cách mạng miền Nam đi lên.

Thứ hai, tình hình quốc tế lúc bấy giờ diễn biến khá phức tạp. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, đặc biệt là sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương được ký kết thì xu thế hòa hoãn trên thế giới đang tác động khá tiêu cực. Tâm lý sợ Mỹ còn đang phổ biến, chưa có bất cứ quốc gia nào kể cả các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam đấu tranh vũ trang để mà thống nhất đất nước.

Chính trong bối cảnh như vậy, việc phải đưa cách mạng miền Nam Việt Nam đi lên đòi hỏi phải đáp ứng cả 2 yêu cầu. Một là đáp ứng sự phát triển của cách mạng miền Nam. Hai là phải làm yên lòng bạn bè thế giới, làm sao ít nhất nếu như các nước lớn, các nước XHCN như Liên Xô, Trung Quốc, nếu chưa ủng hộ Việt Nam đấu tranh vũ trang thì cũng không có những phản ứng bất lợi.

Chính trong bối cảnh quốc tế như vậy, Hội nghị 15 của BCH TW Đảng và ĐH lần thứ 3 của Đảng lao động Việt Nam tháng 9/1960 đã chủ trương thành lập riêng cho miền nam 1 mặt trận, tức là phải có 1 cơ cấu chính trị và sau này là 1 cơ cấu quyền lực của cách mạng riêng ở miền Nam… Cho nên phải xây dựng 1 lực lượng quân giải phóng vững mạnh trong 1 tình hình như vậy thì với lực lượng vũ trang phần nào còn được duy trì ở miền Nam...

PV: Những chiến công đặc biệt nào gắn với Quân giải phóng miền Nam? Và những chiến công đó ý nghĩa như thế nào trong quá trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thưa ông?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Nói đến lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam VN chúng ta thấy 3 bộ phận, một là bộ phận chủ lực - tức là Quân giải phóng miền Nam. Hai là bộ đội địa phương cũng là bộ phận của Quân giải phóng miền Nam. Thứ ba, là dân quân du kích.

Lực lượng vũ trang tập trung chính là bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương gồm bộ đội tỉnh, bộ đội huyện, bộ đội của các khu, bộ đội miền… gọi là chủ lực miền. Cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tình nguyện đều được gọi là quân giải phóng.

Quân giải phóng miền Nam có sự phát triển rất mạnh, trước hết là về biên chế tổ chức – từ lúc đầu là những đại đội tiểu đoàn, càng về sau càng phát triển lên đến cấp quân đoàn vào trước đại thắng mùa xuân năm 1975… Đấy là sự phát triển về mặt biên chế tổ chức, về mặt quân số càng ngày càng hùng mạnh.

Về vũ khí thì cũng ngày càng được trang bị tốt hơn, lúc đầu là vũ khí tại chỗ tự tạo, lấy của địch để đánh địch và về sau quá trình chi viện từ miền Bắc, rồi sự chi viện quốc tế... cho nên các vũ khí, phương tiện chiến tranh của quân giải phóng miền Nam cũng càng ngày được cải thiện ở mức độ hiện đại.

Trước Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, các quân chủng và binh chủng ở miền Nam đã hình thành, đặc biệt là bộ đội tăng thiết giáp, bộ đội pháo phòng không, bộ đội tên lửa, rồi các binh chủng từ bộ binh, công binh, binh chủng hóa học… Có thể nói là 1 cơ cấu tổ chức, lực lượng quân đội – tức là quân giải phóng miền Nam đang từng bước được xây dựng chính quy và từng bước tiến lên hiện đại, có khả năng tác chiến quy mô lớn.

Quân giải phóng miền Nam nói riêng cũng như Quân lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam nói chung, lực lượng vũ trang được bố trí rộng khắp tất cả các chiến trường và tạo điều kiện để có thể đánh tập trung, kết hợp đánh tiêu hao, tiêu diệt địch. Kết hợp mặt trận chính diện với mặt trận sau lưng địch – tức là tạo điều kiện đánh quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trong mọi điều kiện thời gian và không gian…

Lực lượng vũ trang đó chính là nòng cốt để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân cách mạng ở miền Nam một cách toàn diện và từng bước đi đến thắng lợi cuối cùng.

PV: Thưa ông, Quân giải phóng miền Nam thành lập đã để lại bài học gì trong việc tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Quá​​trình xây dựng và phát triển quân giải phóng miền Nam đã để lại bài học kinh nghiệm rất lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trước hết, theo quan điểm của tôi, thì có 2 bài học rất đáng nhấn mạnh. Bài học thứ nhất là đảm bảo sự lãnh đạo, tuyệt đối trực tiếp và toàn diện của Đảng cộng sản vì đây chính là nhân tố cơ bản nhất để đảm bảo sức mạnh về mặt chính trị tinh thần của vũ trang. Đó chính là bài học về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, xây dựng quân đội nhân dân nói riêng về mặt chính trị.

Chính sự lãnh đạo của Đảng không phải chỉ là nhân tố bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng miền Nam mà đó còn là nhân tố hàng đầu để đảm bảo sức mạnh của lực lượng vũ trang. Đấy là điểm hết sức căn cốt trong xây dựng lực lượng vũ trang của mình chính trị.

Thứ hai là bài học về xây dựng lực lượng vũ trang về mặt vật chất, về sức mạnh vật chất. Vũ trang cách mạng ở miền Nam – tức là quân giải phóng miền Nam chúng ta thấy trang bị ngày càng tốt hơn. Kỹ thuật, chiến thuật, các phương tiện chiến tranh càng ngày càng hiện đại hơn và có thể đương đầu với cuộc chiến tranh hiện đại của 1 đế quốc lớn mạnh, bậc nhất thế giới lúc bấy giờ.

Có thể nói bên cạnh sức mạnh của con người còn có sức mạnh của vũ khí, bên cạnh sức mạnh tinh thần, sức mạnh chính trị thì có sức mạnh vật chất. Cho nên phải xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Và tôi nghĩ đây là 1 bài học mà từ thực tiễn xây dựng và chiến đấu của Quân giải phóng miền Nam trước đây đã để lại cho việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

PV: Vâng xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.