Sáng nay (28/6), Chương trình quảng diễn nghệ thuật tuồng Huế "Ngàn xưa âm vọng" đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức. Chương trình với sự kết hợp giữa các yếu tố nghi lễ, quảng diễn đường phố với trình diễn sân khấu đã tạo nên một điểm nhấn nghệ thuật mới trong trình diễn đường phố tại Festival Huế 2022.

Chương trình gồm các phần: Tri ân ngưỡng vọng tổ nghề sân khấu tại Thanh Bình Từ Đường; trình diễn trích đoạn tuồng cổ tại Nghinh Lương Đình; quảng diễn đường phố tại các trục đường và tiến hành dâng hoa lên các bậc tiền nhân tại nhà hát Duyệt Thị Đường – Đại nội Huế.

Thanh Bình Từ Đường được xây dựng vào năm 1825 là nơi thờ cúng các thánh thần được suy tôn là Thánh Sư, Tiên Sư, Tổ Sư và những người có công trạng đối với nghệ thuật sân khấu Tuồng Huế và khu vực miền Trung. Đặc biệt, lễ tri ân được thực hiện theo đúng trình thức lễ tế truyền thống, giúp tái hiện nét đẹp trong nghi lễ một cách chân thực và sống động nhất.

Sau lễ tri ân, gần 200 nghệ sĩ, diễn viên tập hợp thành đội hình và thực hiện nghi lễ rước mặt nạ tuồng, quảng diễn. Đoàn rước vừa diễu hành vừa thể hiện động tác tuồng theo lộ trình đến Nghinh Lương Đình. Tại đây, các nghệ sĩ trình diễn các tiết mục cùng trích đoạn tuồng Huế như: Trống hội Tuồng đồ, các trích đoạn “Ác thiện ẩn hình”, “Mộc Quế Anh dâng cây Giáng hương long”, “Mạnh Lương trộm ngựa” và bài bản múa bông.

Kết thúc phần trình diễn, đoàn rước sẽ tập hợp trở lại và diễu hành, quảng diễn tại cung đường Lê Duẩn – cửa Quảng Đức – 23/8 – cửa Hiển Nhơn vào Duyệt Thị Đường. Các nghệ sĩ trong các loại trang phục truyền thống khác nhau cầm nghi trượng, cờ xí, lồng đèn, gánh kiệu, chiêng, trống cùng với các đội Đại nhạc, Tiểu nhạc, múa Bát Dật văn võ, các nhân vật tuồng diễu hành trên đường phố. Điểm nhấn của đội hình là các nghệ sĩ, diễn viên vào vai 100 nhân vật tuồng với các loại trang phục, hóa trang mặt nạ khác nhau để phô diễn, tạo ra sự sinh động đầy màu sắc và có sức gợi, tả về một loại hình nghệ thuật phổ biến ngày xưa.

Với “Ngàn xưa âm vọng”, lần đầu tiên trên đường phố Huế xuất hiện chương trình quảng diễn nghệ thuật sân khấu cổ, phô diễn vẻ đẹp trang phục và mặt nạ tuồng với màu sắc rực rỡ, sống động.

NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết: “Chúng tôi tổ chức chương trình vừa để tri ân các bậc tiền bối đi trước, khơi dậy lòng yêu nghề của anh chị em nghệ sĩ vừa giới thiệu, quảng bá nghệ thuật sân khấu đang vắng bóng khán giả, trong đó có sân khấu tuồng. Việc giới thiệu mặt nạ, biểu diễn các trích đoạn tuồng là cách để giới thiệu đến du khách hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này. Không có dịp quảng bá nào bằng dịp Festival Huế. Hy vọng, chương trình là một hoạt động đường phố góp phần cho Festival Huế có thêm những kịch mục mới lạ, sôi động hơn”.

Việc đưa nghệ thuật truyền thống ra quảng diễn ở cộng đồng là hình thức mới và là dịp để giới thiệu nét đặc trưng, đặc sắc của tuồng Huế qua các mặt nạ và trích đoạn tuồng đến đông đảo công chúng. Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, ngoài tôn vinh di sản tuồng cung đình Huế, phô diễn vẻ đẹp của trang phục tuồng, nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng, chương trình kỳ vọng mang đến trải nghiệm thú vị về lễ hội đường phố đối với du khách khi đến tham quan Huế trong dịp festival, góp phần quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Cố đô Huế tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.