Là tỉnh sở hữu “kho” di sản văn hóa và thiên nhiên phong phú, Quảng Ninh có hơn 600 di sản văn hóa vật thể và gần 3000 di sản văn hóa phi vật thể là những lễ hội, phong tục tập quán, trò chơi dân gian của 21 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn.

Thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên là nơi đồng bào Sán Chỉ sinh sống. Không gian đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng người Sán Chỉ cùng sinh hoạt truyền thống đặc trưng gắn liền với cuộc sống người dân nơi đây chính là sức hút của điểm đến. Tại Đại Dực, hiện cũng đã có các homestay thành lập tổ hợp tác du lịch cộng đồng nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc tại địa phương. Ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong định hướng phát triển của xã xác định lấy con người là chủ thể, lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm trung tâm để phát triển kinh tế xã hội cũng như phát triển du lịch trên địa bàn

Nằm trên trục giao thông huyết mạch phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Tiên Yên có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống tạo thành kho tàng tài nguyên văn hóa đặc sắc, giàu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Từ đây địa phương chủ động xây dựng 4 đề án bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, hình thành sản phẩm độc đáo, hấp dẫn mang bản sắc riêng, đưa Tiên Yên trở thành trung tâm kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc.

Huyện Bình Liêu là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Ninh sớm có những định hướng bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch và đạt được những thành công nhất định. Địa phương này có đến 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất là người dân tộc Tày. Cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ với tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán và những lễ hội riêng đã tạo nên một Bình Liêu đa sắc màu văn hóa

Câu lạc bộ hát Then đàn Tính thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu được thành lập từ tháng 10/2023 khi bản này được tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng “Làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Từ đây, làn điệu Then Tày - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tiếp tục được các thế hệ người Tày ở thôn Bản Cáu giữ gìn, lưu truyền, trở thành tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch tại thôn bản mình. Ông Hoàng Ngọc Ngò, PCT UBND huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong thời gian tới để phát triển du lịch Bình Liêu sẽ dựa vào 3 cộng đồng với 3 nét văn hóa đặc trưng cộng đồng dân tộc Tày, dân tộc Sán Chỉ và cộng đồng người dân tộc Dao và huyện cũng sẽ phát triển là 3 cái làng dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng của 3 dân tộc này tại địa bàn huyện Liêu trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Đảng ủy huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu có 4 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, ngoài ra còn có lễ hội truyền thống, các nghề thủ công truyền thống và 22 di sản thuộc tri thức dân gian. Chính sự đa dạng này đã mang lại cho Bình Liêu một nguồn tài nguyên giá trị về văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc cần bảo tồn và phát triển. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch.

"Quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về việc phát huy nguồn lực văn hóa là động lực để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, phát triển kinh tế thì huyện Bình Liêu chúng tôi đã nghiêm túc triển khai đến các cấp ủy chính quyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành cũng như toàn thể nhân dân về thực hiện chủ trương của tỉnh. Trong những năm gần đây thì chúng tôi đã cố gắng bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, qua đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cũng như gắn kết việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương", bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh

Khai thác tốt các tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch đã trở thành hướng đi đúng đắn của Bình Liêu, từng bước hình thành sản phẩm du lịch thế mạnh như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng du lịch, khám phá trải nghiệm du lịch biên giới. Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc gắn với du lịch, giúp người dân Bình Liêu nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống từ những nét đẹp truyền thống của chính dân tộc mình.

Mời nghe bài viết tại đây: