Sau gần 3 năm kể từ khi lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện các công đoạn từ nội dung, thiết kế mĩ thuật đến thi công, Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” đã hoàn thành. Hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có những tấm ảnh mầu lần đầu tiên được công bố và nhiều hiện vật khảo cổ rất quý giá minh chứng sự ra đời của Quốc Tử Giám.

Phát biểu khai mạc trưng bày, bà Phạm Thị Mỹ Hoa – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Trải qua hơn 700 năm phát triển, suy thịnh tùy thời, Quốc Tử Giám Thăng Long vẫn luôn song hành với sự phát triển của giáo dục khoa cử Đại Việt và cùng gánh vác sứ mệnh vun bồi nguyên khí, cử người hiền dùng người tài mà lịch sử đã giao phó. Từ ngôi trường này, lớp lớp học trò được nuôi dưỡng bằng tri thức và đạo đức, với những cống hiến bền bỉ, trở nên Thành Đức - Đạt Tài, những bậc quân tử khí tiết, đức độ và để lại tiếng thơm cho đời sau. Cho đến nay, Quốc Tử Giám vẫn là biểu tượng cho những giá trị của đạo học Việt Nam”.

Ông Patrick Hoarau - chuyên gia đồ họa đến từ Cộng hòa Pháp, đại diện nhóm thiết kế chia sẻ về quá trình thực hiện trưng bày: "Ý tưởng thiết kế của chúng tôi là sẽ gửi tới công chúng một trưng bày hoàn hảo đầu tiên của Quốc Tử Giám. Như các bạn biết các tư liệu, hiện vật gốc liên quan đến trường Quốc Tử Giám thời xưa thì bây giờ gần như không còn và rất khó tìm lại được. Chính vì vậy chúng tôi đã làm việc mật thiết với đội ngũ làm nội dung của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong thời gian dài để thực hiện trưng bày với mong muốn đem lại cho du khách những thông tin chi tiết nhất về ngôi trường quốc học đầu tiên của Việt Nam".

Trưng bày chia thành hai không gian tĩnh và động, trong nhà và ngoài trời. Không gian trưng bày trong nhà được thiết kế ở dãy Đông vu của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tòa nhà có rất nhiều cửa ra vào, bởi vậy nhóm thiết kế đã chọn phương án thiết kế để khách tham quan bước vào từ cửa nào cũng có thể hiểu được không gian trưng bày này. Còn trưng bày ngoài trời kể về cuộc đời của một sĩ tử từ khi rời làng đi học, rồi đi thi, vinh quy bái tổ quay về làng.

Quốc Tử Giám được xây dựng ở phía sau Văn Miếu năm 1076 dưới thời vua Lý Nhân Tông, là Trung tâm giáo dục cao cấp lớn nhất nước ta thời quân chủ. Trải qua các triều đại Lý – Trần – Lê, với hơn 700 năm hoạt động, ngôi trường đã đào tạo nên hàng nghìn bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước.

Theo TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quốc Tử Giám là trung tâm đào tạo được thành lập theo một triết lý kết hợp ba yếu tố là: Giáo dục - Xây dựng và Gìn giữ. Ngay từ sớm, Việt Nam đã nhận rõ được mối quan hệ của giáo dục, học tập, tôn vinh và tinh hoa: “Đông, Tây, Nam, Bắc do tư đạo/ Công, Khanh, Phu, Sĩ xuất thử đồ”. Mặc dù thời gian đã làm cho Quốc Tử Giám có nhiều thay đổi, nhưng biểu tượng này vẫn trường tồn như một nhận thức về đạo học Việt Nam, để tìm lại sự thanh tao, cân bằng và nghiêm cẩn. Trí tuệ vẫn ngự trị tại một trong những vị trí cao quý nhất dành cho người thầy, trao truyền qua nhiều thế hệ những di sản của các bậc hiền tài. Cho đến nay, địa danh này với những giá trị tuyệt vời vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, một sự khát khao trên con đường học tập và phụng sự.

Cũng theo TS. Lê Xuân Kiêu, Trưng bày diễn ra ngay trong không gian của di tích, sẽ giúp cho công chúng dễ dàng tiếp cận và hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa của trường Quốc Tử Giám bởi rất nhiều người đã từng nghe về Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam nhưng lại không tìm thấy thông tin hay dấu ấn nào của ngôi trường này. Chính vì vậy, trưng bày lần này sẽ mang đến cho công chúng những thông tin bổ ích, thú vị và đây là trưng bày lâu dài để phục vụ khách tham quan.