Theo số liệu từ Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, nước ta có khoảng 40.000 di tích phân bố trên khắp các vùng, miền. Cùng với đó là khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, với 498 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu.

Không chỉ phản ánh bề dày lịch sử văn hóa, hệ thống di sản phong phú của Việt Nam còn đóng vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội, tạo nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Do vậy, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng công tác bảo tồn di sản. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách nhà nước hằng năm đều quan tâm cấp cho mục tiêu bảo tồn chống xuống cấp di tích.

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Hiện nay nhiều di tích, di sản tại các địa phương đang xuống cấp trầm trọng, nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, không có kinh phí cho công tác sưu tầm hiện vật hay hồi hương di sản... Thực trạng này đòi hỏi cần có một quỹ riêng có khả năng huy động những nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.

Điều 90 trong dự thảo Luật di sản văn hóa quy định về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa:

- Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ.

- Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.

- Quỹ bảo tồn di sản văn hóa có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Kết thúc năm tài chính, số dư Quỹ (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; thực hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán, quyết toán tài chính và thực hiện công tác kiểm toán theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai tài chính, công khai minh bạch kết quả hoạt động của Quỹ.

- Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nếu Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được Luật hóa sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách phù hợp yếu tố đặc thù trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giúp giải quyết rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay. Từ đó, các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ kịp thời và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Quỹ này nếu được thành lập sẽ lấp những “khoảng trống”, điều mà những người đau đáu với việc bảo tồn di sản đang trông đợi. Đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều di tích đang xuống cấp và một số di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một.

Tại phiên thảo luận về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu đã bày tỏ ý kiến xung quanh những quy định về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa. Chia sẻ với VOV2, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương rất đồng tình về sự cần thiết của Quỹ này. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, thực tế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả. Kể từ khi thành lập quỹ này, Thừa Thiên - Huế đã huy động được nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản được UNESCO vinh danh, thực hiện một số dự án tu bổ di tích hoàn toàn bằng xã hội hóa.

Tuy nhiên ở tầm Quỹ quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga vẫn còn đôi điều băn khoăn: "Đành rằng đây là Quỹ ngoài ngân sách nhà nước, huy động từ các nguồn xã hội hóa, từ các tổ chức, cá nhân và với một mục đích sử dụng quỹ để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Tuy nhiên, cũng có những quỹ ngoài ngân sách mà chúng ta đã thành lập, sau đó trong một thời gian rất dài không huy động được các nguồn lực từ xã hội đóng góp cho quỹ đó. Ví dụ như trường hợp quỹ phát triển du lịch. Cho nên, ngân sách được cấp vào quỹ đó, sau đó chưa sử dụng được một cách có hiệu quả. Tôi đề nghị nếu thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, chúng ta phải tính toán và cân nhắc rất kỹ khả năng huy động quỹ này”.

Sở dĩ một số đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia còn đang nghi ngại về tính hiệu quả của quỹ này, bởi nói đến sự xuất hiện và sự tồn tại của một loại Quỹ nào đó thì câu hỏi đầu tiên là “tiền đâu”. Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các loại quỹ bảo tồn văn hóa đều do những tập đoàn kinh tế lớn tài trợ. Ở nước ta, nhiều chuyên gia cho rằng “doanh nghiệp chưa mặn mà với lĩnh vực này” nên nguồn xã hội hóa này sẽ rất bấp bênh. Hơn nữa, thực tế có loại quỹ sau vài năm luật có hiệu lực vẫn không huy động được bất cứ nguồn lực nào.

Vậy, làm thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp, các tập đoàn và các tổ chức, cá nhân ủng hộ để Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa có nguồn thu đảm bảo? Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn cần có thêm những quy định cụ thể, chặt chẽ để Quỹ có tính khả thi. “Chúng ta cần giải quyết tốt bài toán cơ chế, có ưu đãi về thuế, ưu đãi về hợp tác công tư… để doanh nghiệp, cá nhân có quyền lợi khi tham gia xây dựng Quỹ. Chúng ta cũng cần có cơ chế phù hợp để tích hợp các nguồn tài chính đa dạng từ cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả cho hoạt động văn hóa nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói riêng. Việc sử dụng, tổ chức, quản lý, điều hành, phân phối quỹ cần được cụ thể hóa bằng những quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và cần có hình thức tôn vinh phù hợp. Có như vậy cộng đồng mới sẵn sàng chung tay vì mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đất nước”.

Mời nghe nội dung tại đây: