Hai cuốn sách “Tranh dân gian Huế” và “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” là tác phẩm của Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội thực hiện.

Với suy nghĩ tranh dân gian Việt Nam vẫn có những khoảng trống lớn về việc nghiên cứu các dòng tranh, ngoài hai dòng tranh là Hàng Trống và Đông Hồ, nếu không kịp thời nghiên cứu thì có thể những dòng tranh ấy sẽ dần dần biến mất. Vì thế, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã bắt tay vào tìm hiểu tư liệu, khảo sát điền dã về “tranh dân gian Việt Nam”. Và kết quả sau nhiều ngày tháng tìm hiểu tư liệu, khảo sát điền dã dọc miền tổ quốc của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa là cuốn sách: “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” ra đời. Cuốn sách dày 350 trang với hơn 1000 ảnh minh hoạ, in màu toàn bộ trên giấy couche, được chia thành những nội dung chính:

Chương 1: Đồ thế của các nước trên thế giới và Việt Nam

Chương 2: Địa lý – Tôn giáo – Tín ngưỡng Việt Nam.

Chương 3: Tranh đồ thế Bắc Bộ: Tập trung chủ yếu về Tranh đồ thế dân tộc Dao và Tranh đồ thế Bắc Bộ (tranh Thập vật và tranh Đông Hồ).

Chương 4: Tranh dân gian đồ thế Trung Bộ: Tranh đồ thế Huế và Tranh đồ thế miền duyên hải Nam Trung Bộ.

Chương 5: Tranh đồ thế Nam Bộ: Gồm Tranh đồ thế người Hoa ở Nam Bộ và Tranh đồ thế Nam Bộ

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, tranh dân gian đồ thế có không gian sống riêng của nó, đó là trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Ví dụ, dòng tranh làng Sình (Thừa Thiên - Huế) khi nghiên cứu thì phải tham gia rất nhiều nghi lễ theo vòng đời con người: đầy tháng, đầy năm, trưởng thành… Chính vì thế, quyển sách tranh dân gian đồ thế mất công nhất trong tất cả các dòng tranh với hơn 1000 ảnh minh họa, ảnh tranh để khắc họa tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục thể hiện qua cách sử dụng tranh.

Cũng theo nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, tranh dân gian đồ thế Việt Nam có lẽ là dòng tranh xuất hiện sớm nhất trong các dòng tranh dân gian Việt Nam vì nó là dòng tranh phục vụ cho tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt Nam. Bên cạnh nhu cầu tồn tại về các khía cạnh vật chất, con người còn có nhu cầu về tinh thần, cần được có cảm giác an toàn. Con người còn tồn tại thì còn tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu như tranh dân gian kính hiện nay chỉ phổ biến ở Nam Bộ, tranh Hàng Trống, Đông Hồ phổ biến ở Bắc Bộ thì tranh dân gian đồ thế của người Kinh Việt Nam hiện diện ở mọi nơi, hiện diện vào các lễ nghi vòng đời của con người (trừ đám cưới), hiện diện ở ngày rằm, mồng một…

Mặt khác, có thể khẳng định một trong những thành tố cấu thành nên văn hóa Việt Nam là tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục. Tranh dân gian đồ thế Việt Nam lại là một thành tố trong tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục đó. Chính vì thế, gìn giữ, bảo tồn được tranh dân gian đồ thế Việt Nam cũng là gìn giữ và bảo tồn được văn hóa Việt Nam.

Cuốn Tranh dân gian Huế gồm 3 chương. Chương 1: Làng Sình và nghề tranh làng Sình trong không gian văn hóa tín ngưỡng Huế; Chương 2: Kỹ thuật sản xuất tranh làng Sình; Chương 3: Các dòng tranh dân gian khác tại Huế.

Trong cuốn sách này, tác giả giới thiệu tranh dân gian vẽ tay Huế, tranh dân gian gương kính Huế, tranh dân gian thêu Huế, tranh dân gian làng Chuồn, tranh dân gian bích họa, tranh bích họa, tranh phù điêu và tranh phù điêu đắp mảnh.

Điều thú vị là các dòng tranh dân gian Huế được giới thiệu không chỉ bằng những bức tranh mà bằng chính gốc văn hóa của bức tranh đó, sự liên kết của dòng tranh đó với văn hóa Huế. Theo sách "Tranh dân gian Huế", thường sau khi lấy chồng, người ta mới bắt đầu thờ bà Bổn mạng. Tuy nhiên, việc thờ bà Bổn mạng với hình tượng nào sẽ được thực hiện tùy theo tính tình, công việc và độ tuổi của người thờ. Bà Bổn mạng trong tranh làng Sình cũng có nhiều biểu tượng tương ứng như: bà cưỡi voi, bà cưỡi phượng, bà cưỡi rồng, bà ngồi tòa sen…

Việc ra mắt hai cuốn sách là nỗ lực rất lớn của Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa với mong muốn có thêm nhiều tư liệu hơn nữa cho những họa sĩ, nhà thiết kế để có thể ứng dụng rộng rãi hơn nữa, giúp cho tranh dân gian Huế và tranh đồ thế có một diện mạo mới, để tồn tại và phát triển một cách vững chắc; cũng như để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những di sản của ông cha đã để lại cho hậu thế.