Theo kế hoạch, từ ngày 22-29/9/2023 (tức từ 08 -15/8 Âm lịch năm Quý Mão), các hoạt động sẽ diễn ra tại các địa điểm: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội – Số 50 phố Đào Duy Từ; Ngôi nhà Di sản – Số 87 phố Mã Mây; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật – 22 Hàng Buồm; Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào và không gian bích họa phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã.

Cụ thể, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội – Số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm: Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước giới thiệu bộ ảnh và tư liệu chủ đề “Trở về Trung thu xưa”. Gần 80 tài liệu, tư liệu hình ảnh được trưng bày và sử dụng trong không gian tầng 1 của Trung tâm sẽ đưa công chúng quay ngược thời gian để tìm hiểu những nghi lễ Tết trung thu chốn Hoàng cung, không khí rộn ràng tiếng trống, rực rỡ đèn lồng, đèn ông sao, đèn con thỏ… của Tết Trung thu trên phố phường Hà Nội xưa. Giới thiệu không gian sắp đặt vui Tết trung thu cho trẻ em qua các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống.

Tại Ngôi Nhà Di sản – Số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm: Giới thiệu không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu. Tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật – 22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm: Biểu diễn Rối cạn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (20h00 ngày 28/9). Tại Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào: Sắp đặt không gian Tết Trung thu; giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống xưa và nay.

Bên cạnh các không gian trưng bày, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội duy trì phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống tại khu phố cổ nhân dịp Tết Trung thu.

Theo đó, vào ngày 23-24/9 tại Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây sẽ có hoạt động giới thiệu và hướng dẫn làm bánh Trung thu truyền thống. Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, nghệ nhân Đặng Văn Hậu - làng Xuân La, Phú Xuyên, Hà Nội sẽ hướng dẫn các bạn nhỏ cách làm con giống bột qua “Lớp học tò he” vào ngày 25 và 26/9; nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến – xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội hướng dẫn làm đèn ông sao truyền thống “Lồng đèn đón trăng” vào ngày 27/9; không gian trải nghiệm làm các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống: mặt nạ bồi, làm và trang trí diều giấy, chơi trò chơi Trí Uẩn vào ngày 29/9.

Bên cạnh đó, nhằm đem đến cho các cháu thiếu nhi một không gian vui chơi bổ ích và cơ hội tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống, tại không gian bích họa phố Phùng Hưng, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội còn phối hợp với nghệ nhân, thợ thủ công của các làng nghề lân cận Hà Nội tham gia trưng bày, trình diễn giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, tò he đất (con phỗng đất), con giống bột, chuồn chuồn tre, đồ chơi Trí Uẩn.

Ngoài ra, còn có không gian tương tác, hướng dẫn các trò chơi dân gian (ô ăn quan, cướp cờ, đánh truyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò…); Biểu diễn rối cạn, trình diễn thời trang trẻ em; Biểu diễn chương trình âm nhạc thiếu nhi. Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, Ban tổ chức mong muốn góp phần đẩy mạnh hoạt động Giáo dục di sản của thủ đô, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng đó.

Không gian Tết Trung thu truyền thống tại các điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội mở cửa từ 8h00 - 17h00 ngày thường và từ 8h00 - 22h00 các ngày cuối tuần.