Cơn sốt bản quyền - Cơn sốt vàng hoang dại trong thế kỷ XXI

Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh không còn xa lạ với người hâm mộ Việt Nam, nhưng cái cách mà phần đông chúng ta tiếp cận với giải đấu này là trên góc độ người thụ hưởng một sản phẩm truyền thông giải trí.

Nếu không phải là fan của bộ môn túc cầu giáo, nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên rằng, trong các lần giải đấu hết thời hạn bản quyền trước đây, người hâm mộ lại "lên cơn" đòi các nhà đài phải mua bằng được bản quyền một giải đấu ở cách chúng ta cả nửa vòng trái đất, trong khi giải bóng đá nội địa V-League thì thường xuyên đìu hiu cả trên khán đài lẫn sóng truyền hình.

Bản quyền giải Ngoại hạng Anh luôn là một món hàng “hot” dù giá không hề rẻ, bản quyền sau luôn đắt hơn bản quyền trước. Tất cả bắt nguồn từ những bí mật kinh doanh, nhưng thủ pháp marketing – quảng cáo khiến Ngoại hạng Anh trở thành một sản phẩm giải trí hàng đầu.

Những bí mật kinh doanh – thể thao và giải trí của giải bóng đá hàng đầu thế giới được 2 tác giả Joshua Robinson và Jonathan Clegg hé lộ trong cuốn sách “The Club – Giải mật Ngoại hạng Anh” vừa được Alphabooks kết hợp với NXB Lao Động cho ra mắt trong tháng 12.

Trong tác phẩm này, 2 tác giả Joshua Robinson và Jonathan Clegg đưa người đọc khám phá lịch sử trỗi dậy của giải đấu thể thao nổi tiếng nhất hành tinh. Phía sau đó là câu chuyện kinh doanh thú vị về cách mà tiền bạc, tham vọng và 25 năm biến động đã biến một tổ chức lỗi thời trở thành đế chế giải trí của thế kỷ XXI.

Trước khi là một đế chế sản sinh ra lợi nhuận hàng trăm triệu bảng hiện nay, hiện trạng của giải đấu số 1 nước Anh thực sự bi đát. Hãy nghe một trích đoạn ngắn sau đây để hiểu rõ:

“Những phát hiện của đại phán quan Peter Taylor được công bố vào tháng 1/1990 vạch trần tình trạng nguy hiểm của môn thể thao quốc gia, từ bạo loạn đám đông tới trạng thái xuống cấp trầm trọng của các sân vận động. Bản công bố cũng đưa ra khuyến cáo về những giải pháp cho vấn đề ấy, bao gồm việc dỡ bỏ hàng rào chặn đám đông; giảm thiểu khán đài đứng và dần chuyển sang toàn bộ khán đài có chỗ ngồi. (Bản công bố cũng gãi đúng chỗ ngứa của David Dein ở Arsenal, người đang duy trì một cuộc thánh chiến đối với nhà vệ sinh ở sân vận động, vì trong công bố cũng nhắc tới nhà vệ sinh, miêu tả chúng là “thô sơ về thiết kế, thiếu hụt về số lượng và kém cỏi về vận hành lẫn duy tu”.

Đó đã từng là hiện trạng của bóng đá Anh trong giai đoạn bình minh đêm trước khi giải Ngoại hạng ra đời. Nhưng điều thú vị đầu tiên của cuốn sách này là, đây không chỉ là sách về “bóng đá”, mà chính xác là “kinh doanh trong bóng đá”.

"Qua cuốn sách, độc giả có thể hiểu hơn, có một cái nhìn sâu sắc, cốt lõi khi giải Ngoại hạng Anh (NHA) được hình thành thế nào", anh Đặng Hồng Quân, biên tập viên Alphabooks, người chịu trách nhiệm biên tập chính cuốn sách này cho biết.

"Bằng những thủ thuật ngoại giao, kinh doanh, quá trình lập chiến lược, huy động vốn... khiến cho giải đấu ban đầu chỉ là một giải rất yếu, vậy mà chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi họ đã tăng trưởng lên 10.000%, từ 50 triệu bảng năm 1992 lên 10 tỷ bảng hiện tại. Mô thức phát triển của giải NHA đặc biệt ở chỗ, dù trải qua rất nhiều trận đại khủng hoảng trên thế giới nhưng tiềm lực và tốc độ phát triển của giải không hề bị ảnh hưởng. Nó rất bền vững. Tất nhiên là cho đến trước năm 2020, còn chuyện dịch Covid ảnh hưởng thế nào đến giải thì chúng ta sẽ sớm biết thôi”.

Điểm tương đồng kỳ lạ với bóng đá Việt Nam

Điểm thú vị thứ 2 là, có rất nhiều điểm tương đồng giữa hiện trạng giải bóng đá Việt Nam và giải Ngoại hạng Anh khi mới ra đời, mà câu chuyện về những nhà vệ sinh bốc mùi, những phòng thay đồ sập sệ, những khán đài xuống cấp… chỉ là một vài trong số đó. Ngoài ra còn là chuyện, các đội bóng ở Anh cũng từng chỉ giỏi tiêu tiền của các ông chủ. Nhưng điều khiến giải Ngoại hạng Anh bứt phá là họ khai phá được tư duy doanh nhân, làm mọi cách để giải đấu sản sinh lợi nhuận.

"Trong cuốn sách này có nhiều nhân vật điều hành các CLB thậm chí cũng chẳng quan tâm đến bóng đá, có những ông trùm truyền thông thậm chí chẳng biết bóng đá là gì? Những nhân vật như thế đam mê của họ hoàn toàn không ở lĩnh vực bóng đá, mà chỉ ở khía cạnh “kinh doanh” trong bóng đá”, dịch giả Phùng Quang Hưng của sách Giải mật Ngoại hạng Anh nói.

“Giải mật Ngoại hạng Anh” là đầu sách được xếp vào loại quản trị kinh doanh, hé mở những câu chuyện làm sao một giải đấu đầy tính địa phương chủ nghĩa chuyển sang tồn tại ở dạng một công ty - Tập đoàn Ngoại hạng, là câu chuyện về các giao dịch phát sóng truyền hình, các chiến lược và thỏa thuận chuyển nhượng công ty.

Từ cách Sky giành được các hợp đồng bản quyền truyền hình quan trọng, đến sự trỗi dậy của Man United và Arsenal, thời đại của các nhà tài phiệt và cuối cùng là hướng tới tương lai như ngày hôm nay. Có cả những bí quyết đã biến một sản phẩm bóng đá đơn thuần thành một tập đoàn giải trí toàn cầu.

“Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay thì một lĩnh vực mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải chú ý là trải nghiệm người dùng", biên tập viên Đặng Hồng Quân cho biết. "Không phải tự dưng họ có thể leo lên đỉnh cao. Để tạo nên yếu tố giải trí trong một giải thể thao là cực kì quan trọng. Khi bạn mang đến cho người xem cảm giác hưng phấn, hồi hộp, đôi khi sợ hãi, rồi đến vỡ òa vì vui mừng… thì tự khắc người ta sẽ bị nghiện việc theo dõi đấy”.

Nội dung cuốn sách được xây dựng dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng, cô đọng từ 100 cuộc phỏng vấn độc quyền của các tác giả với những người ra quyết định của mọi đội bóng lớn ở Anh. Bên cạnh việc đánh giá các sự kiện cũng như những nhân vật ở phía sau chúng, Robinson và Clegg còn phân tích các yếu tố lịch sử, văn hóa và thương mại đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của giải đấu, hoặc cản trở sự phát triển đó. Chính vì thế, khi ra mắt lần đầu tại Anh vào tháng 12/2018, những bí mật trong cuốn sách khiến nhiều người ngỡ ngàng.

“Điều khiến cuốn sách trở thành 1 trong những cuốn được săn lùng nhất tại Anh khi mới xuất bản là vì, 2 tác giả - bằng một thủ thuật nào đó – đã luồn lách vào nội bộ từng CLB, làm việc với những người phụ trách tài chính và những nhà thương thuyết chủ đạo của các CLB đấy, moi được những thông tin tuyệt mật. Những thông tin đấy thường mọi người sẽ không hé lộ, vì nó khá nhạy cảm, liên quan đến những bí mật tài chính, tình hình kinh doanh, cung cách vận hành của từng CLB… Nhưng bằng cách nào đó 2 tác giả đã khai thác được triệt để. Từ 16 CLB, họ đã tổng hợp để hình dung ra 1 bức tranh toàn cảnh của các CLB đấy và cả giải nói chung”.

Từ những xuất phát điểm tương tự giữa bóng đá Anh với bóng đá Việt Nam những ngày đầu, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, những nhà quản lý bóng đá nước ta có thể học hỏi giải Ngoại hạng Anh để phát triển.

“Đây có thể là cuốn sách để các nhà làm bóng đá của chúng ta học tập ở việc, làm thế nào để biến các giải như V-League, Cúp Quốc gia, Giải Hạng nhất… trở thành những sản phẩm lớn về mặt truyền hình. Các khán giả đã đến sân nhiều, nhưng các đội bóng vẫn chưa sống được bằng tiền bản quyền truyền hình, chưa sống được bằng các hợp đồng thương mại… cho nên việc đọc cuốn sách này, hay xa hơn nữa là cử các đoàn đại biểu của chúng ta sang học hỏi rất có thể sẽ áp dụng được gì đó cho chúng ta”.

Nhiều người làm trong ngành sách kể rằng, Việt Nam trong mắt ngành sách thế giới đang là một “cường quốc dịch thuật”, chúng ta không chỉ dịch sách tiếng Anh mà còn đủ loại ngôn ngữ, ở đủ các ngành nghề, đem các bài học quốc tế về Việt hóa cho độc giả Việt Nam.

Là một quốc gia phát triển sau, cách ngắn nhất và nhanh nhất là vận dụng hiệu quả bài học của thế giới, mà với những câu chuyện thành công kinh điển như giải bóng đá Ngoại hạng Anh là điều cần thiết trong lộ trình phát triển của Việt Nam, cả trên khía cạnh thể thao, giải trí và kinh doanh.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: