Hơn 10 năm trước, khi đến Việt Nam, ông Philip Kotler – “cha đẻ” của các nguyên lý marketing hiện đại từng khuyến nghị rằng: “Việt Nam hãy trở thành bếp ăn của thế giới”. Điều đó cho thấy, với người nước ngoài, ẩm thực Việt là một điều vô cùng cuốn hút, một “đại sứ” đặc biệt để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Nhiều năm qua, từ Chính phủ cho đến những người dân, các doanh nghiệp Việt đã bền bỉ nỗ lực để biến tầm nhìn trên thành sự thật. Trong đó có Công ty Tư vấn QP Việt Nam của tổng giám đốc Nguyễn Thị Quý Phương. Vừa qua, chị Quý Phương và các cộng sự đã áp dụng thành công phương pháp sấy lạnh phở, bún cá và một số món ăn Việt khác, sẽ sớm đưa những món ăn này lên các kệ hàng, siêu thị quốc tế. Trong cuộc trao đổi với PV VOV2 mà các bạn sắp nghe sau đây, chị Quý Phương chia sẻ về tầm nhìn “biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới”, nâng cao giá trị nông sản Việt, mang văn hóa ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn.
PV: Xin chào chị Quý Phương! Đầu tiên chị có thể chia sẻ, ý tưởng mang phở Việt rồi bún Việt ra nước ngoài đã có từ bao giờ và tại sao chị lại có ý tưởng như thế?
Quý Phương: Ý tưởng mang phở Việt, bún Việt ra nước ngoài nằm trong một kế hoạch lớn hơn, đấy là làm thế nào để “Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới”, nghĩa là Việt Nam sẽ là nơi phục vụ bữa ăn cho một lượng khách lớn hơn rất nhiều con số khoảng 100 triệu người Việt Nam ở trong nước của chúng ta. Và đây là điều mong mỏi, một tầm nhìn mà chúng tôi đã ấp ủ từ hơn 20 năm nay rồi, từ khi còn là một du học sinh lang thang ở xứ người cho đến khi trải qua rất nhiều các vị trí công việc, tôi có được những dữ liệu để khẳng định chắc chắn rằng: Ẩm thực Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách hàng thế giới. Tính chất đặc điểm của ẩm thực Việt Nam có thể đến được với thị trường rộng lớn toàn cầu. Với niềm tin ấy, chúng tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu để nhìn thấy được con đường và cách đi của mình.
PV: Câu chuyện đem ẩm thực Việt Nam ra thế giới thì rất nhiều người muốn làm rồi, và thực tế cũng có những người đã và đang làm. Nhưng vấn đề khó khăn nhất là, việc đảm bảo nguyên liệu ở nước sở tại phù hợp - đủ - đúng với công thức để mang lại một trải nghiệm vị giác giống như đang thưởng thức món ăn đó ở Việt Nam luôn là điều khó. Chị giải quyết bài toán đó như thế nào?
Quý Phương: Đúng là có rất nhiều người Việt Nam đã mở các nhà hàng Việt để đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, nhưng điều chúng tôi muốn hướng đến ở đây là một nền công nghiệp chế biến thực phẩm chứ không phải câu chuyện mở một nhà hàng đơn lẻ. Và khi đã nói đến công nghiệp chế biến thực phẩm là sản xuất ra các món ăn ngon lành bằng quy trình công nghệ khép kín, biến nó trở thành một nền công nghiệp mang lại nhiều giá trị. Đấy là việc không phải một cá nhân mở ra một nhà hàng với một bếp trưởng có thể làm được. Bạn cũng có thể thấy, cái khó khăn nhất của việc mang món Việt ra thế giới đấy là: chúng ta nghĩ rằng chúng ta còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu. Điều này vừa đúng vừa không đúng!
Đúng là nấu món ăn Việt Nam cần những nguyên liệu đặc biệt, nhưng món ăn Việt Nam cũng rất dễ để có thể nấu bằng những nguyên liệu sở tại. Tuy nhiên mong ước của chúng tôi là “Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới” nghĩa là món ăn phải được nấu tại Việt Nam và sử dụng nguyên liệu của Việt Nam. Cho nên, để trả lời câu hỏi của bạn thì chúng tôi dùng 2 chữ: Công nghệ.
PV: Những món ăn khá là phức tạp của Việt Nam như phở, bún tôm hay bún cá... cần rất nhiều nguyên liệu đặc thù như tóp mỡ hay gạch cua - những thứ rất khó mang ra nước ngoài mà lại còn lưu giữ chúng trong một thời gian nhất định nữa. Chị đã áp dụng công nghệ như thế nào?
Quý Phương: Đó là một quá trình nghiên cứu rất dài. Để có thể đóng gói được thì khâu đầu tiên là quy trình nấu như thế nào, và lựa chọn món ăn gì? Khi ta nói đem ẩm thực Việt Nam ra thế giới không có nghĩa là chúng ta mang tất cả các món ăn mà người Việt đang ăn ở trong nước ra thế giới, mà chúng ta cần phải chọn. Chọn những món vừa mang tính toàn cầu vừa mang bản sắc Việt Nam, và lại có thể dễ dàng được thực khách nước ngoài đón nhận.
Việc đầu tiên, trước khi nói đến công nghệ là quá trình nghiên cứu thị hiếu. Chúng tôi đã chọn ra 15 món ăn trong thực đơn đầu tiên. 15 món ăn đấy phải đảm bảo các tiêu chí: Thứ nhất là tính ổn định của nguyên liệu, tức là các đặc tính tự nhiên của nguyên liệu đấy qua quá trình nấu và quá trình đông lạnh, chế biến thì không bị biến chất. Thứ hai là tính khả dụng của công thức nấu ăn, chúng tôi cũng phải chọn rất kĩ, món nào phù hợp để sản xuất công nghiệp. Đấy là cả một quá trình nghiên cứu hơn 1 năm trời đối với từng món.
Tôi nghĩ rằng quá trình R&D và tầm nhìn “Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới” không chỉ của cá nhân tôi mà của cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp thực phẩm, chúng tôi rất tâm huyết với câu chuyện phát triển Việt Nam, tăng giá trị đất đai và tăng giá trị lao động của người nông dân lên. Tôi được sự giúp đỡ của rất nhiều bạn bè và các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là Vinamit của anh Nguyễn Lâm Viên. Bản thân anh Nguyễn Lâm Viên là người đã dành 40 năm cuộc đời để nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ nông sản Việt Nam. Anh đã nghiên cứu thành công công nghệ sấy lạnh, tạo nên một loạt những sản phẩm rất đặc sắc.
Anh Viên đã dùng công nghệ sấy lạnh đấy để ứng dụng vào món phở của chúng tôi, sấy lạnh chính nước dùng của món phở, bún tôm, bún cá; sấy lạnh những miếng cá, con tôm, thịt bò... để làm sao khi hoàn nguyên thì hương vị, chất lượng, màu sắc phải được giữ nguyên đến 90% so với khi sản phẩm còn tươi mới. Đấy là một công nghệ rất mới mà anh Viên là người có độc quyền sáng chế trên toàn cầu, và chúng tôi đã hợp tác với nhau để làm ra sản phẩm này.
Chúng tôi đang có 2 sản phẩm khác nhau, một là dòng sản phẩm đông lạnh và hai là dòng sản phẩm sấy lạnh. mỗi sản phẩm có một phân khúc thị trường khác nhau để làm thế nào sự hiện diện của thức ăn chế biến sẵn của Việt Nam có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ các nhà hàng cho tới các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi.
PV: Xin cảm ơn chị về những chia sẻ vừa rồi!
Nghe âm thanh tại đây