TS Nguyễn Thị Bích Yến là nhà khoa học, nhà báo, nhà văn hiện đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô Viena-Cộng hòa Áo.
Bà là chuyên gia nghiên cứu chiến lược truyền thông chính trị và văn hóa tại Châu Âu
Hiện TS Nguyễn Thị Bích Yến là Phó Tổng biên tập/ Đại diện tạp chí World Alliances Journal tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu.
Phóng viên: Thưa TS Nguyễn Thị Bích Yến, điều gì đã thôi thúc đã gợi ý chị về việc là sẽ có một ngày để cho cộng đồng kiều bào trên toàn thế giới hướng về cội nguồn dân tộc?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Tôi làm về nghiên cứu chiến lược truyền thông văn hóa và chính trị tại Châu Âu, tôi nhận thấy rằng hầu hết các quốc gia thành công trên thế giới như là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Vương Quốc Anh và các nước Châu Âu đã thực hiện 3 chiến lược trụ cột đó là chiến lược ngoại giao chính trị, chiến lược ngoại giao văn hóa và chiến lược ngoại giao kinh tế.
Họ định vị thương hiệu quốc gia rất hiệu quả và vì thế mà chúng tôi mới có ước nguyện là tạo ra một ngày văn hóa chung trong người Việt trên toàn cầu. Đó chính là ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu và là cái ngày của lòng biết ơn với tổ tiên nguồn cội nhằm kết nối sức mạnh đại đoàn kết dân tộc giữa người Việt trong và ngoài nước để cùng nhau lan tỏa định vị văn hóa và phẩm hạnh của người Việt ở nước ngoài.
Phóng viên: Nói về Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, có lẽ với chị không đơn thuần chỉ là một sự kiện mà còn mang đến cho chị những cảm xúc, kỷ niệm như thế nào?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Tôi có một kỷ niệm rất vui với Thủ tướng Cộng hòa Áo Sebastian Kurz khi đó thì ông đang làm Bộ trương Bộ ngoại giao. Đó là năm 2015 khi chúng tôi làm ngày Việt Nam đầu tiên. Trước đó nhiều năm, cộng đồng người Việt tại Áo cũng đã từng tổ chức nhưng mà chưa có sức lan tỏa rộng. Vì thế, tôi đã viết thư gửi cho tất cả các cơ quan, ban, ngành từ Liên Hợp Quốc tại Áo, Tổng thống, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Áo, rồi mời tất cả đồng nghiệp nhà báo quốc tế đến dự.
Một ngày trước khi diễn ra sự kiện, Bộ Ngoại giao Áo đã gửi lại cho chúng tôi một bức thư chúc mừng và ghi nhận công trạng của người Việt đã đóng góp vào nền kinh tế văn hóa của nước bản xứ. Và đây là lần đầu tiên một hoạt động do cộng đồng người Việt Nam tại Áo thực hiện đã chạm đến các chính khách.
Tôi và các anh chị em trong Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và vượt qua bằng toàn bộ tâm trí, sức lực, mồ hôi và cả nước mắt. Năm 2018, khi chúng tôi đến an vị tượng vua Hùng và giỗ Tổ tại 3 quốc gia châu Á. Trong đó có lãnh đạo của một quốc gia họ nói rằng, vua của chúng tôi còn chưa được như thế mà các anh các chị mang vua của nước Việt sang đây để đặt ở chỗ chúng tôi là cớ làm sao. Vậy là họ không đồng ý trong khi 2 ngày nữa là đến ngày giỗ Tổ rồi.
Sau đó, chúng tôi đã nói chuyện với các lãnh đạo đó khá căng thẳng, khá lâu. Họ còn đập bàn và bỏ ra ngoài. Tôi cũng nói với họ về mục đích sự kiện là để trân trọng về văn hóa và phẩm hạnh con người, không chỉ là tôn vinh văn hóa đất nước chúng tôi mà còn là cơ hội giao lưu với văn hóa với nước sở tại.
Sau rất nhiều lần giải thích, cuối cùng thì chúng tôi cũng đã nhận được sự đồng thuận từ phía nước bạn và sau đó họ cũng cử một lãnh đạo cũng khá to đến dự lễ giỗ Tổ với chúng tôi một cách nghiêm trang, trang trọng.
Phóng viên: Thuyết phục được các đồng chí lãnh đạo của nước sở tại đồng ý là một việc đã khó, còn với cộng đồng bà con kiều bào thì sao, mọi người có cùng chung một lòng, thống nhất ý chị không, thưa chị?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Có thể nói là rất khó khăn, cơ cực. Bạn cũng biết đất nước, dân tộc ta có những tổn thương chiến tranh. Có những người đi trước năm 1975, có người đi sau năm 1975, vì thế những quan điểm, tư tưởng đôi khi cũng bị va chạm. Việc tập hợp mọi người cùng hướng về quê hương trong ngày Quốc Tổ là việc rất khó.
Lúc đầu có người rất là mỉa mai chúng tôi, họ nghĩ là ảo tưởng. Một việc lớn như thế làm sao làm được, một vết thương chiến tranh bao nhiêu năm như vậy làm sao cô hàn gắn được cho chúng tôi. Thế nhưng, qua một thời gian số bà con đó thấy rằng đây là hoạt động hướng về tổ tiên, hướng về phẩm hạnh, thu hút cả những chuyên gia quốc tế cùng trao đổi về văn hóa nước Việt, tôn vinh nước Việt và bày tỏ mong muốn giúp đỡ đất nước. Người ngoài còn thế tại sao người Việt lại tẩy chay chính cội nguồn dân tộc của mình.
Tôi cũng không hiểu có phải vì như vậy không mà lâu dần 1 vài năm, sau khi mà họ quan sát các hoạt động mình làm, có nhiều người chia sẻ rằng họ rất cảm động và muốn xin lỗi vì đã có những cái nhìn nhận thiển cận và hỏi xem có việc gì có thể cho họ cùng tham gia.
Phóng viên: Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, và đến nay đã thực hiện tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm, ký ức của mình trong suốt 7 năm vừa qua?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Năm 2018 khi chúng tôi đến Đức tổ chức. Tôi có ra chợ Berlin, chợ Đồng Xuân của người Việt Nam, tôi nhìn thấy một cuốn thơ bị rách. Tôi mới hỏi chị chủ cử hàng là chị thích đọc thơ à, thì chị nhìn tôi vài giây. Chị nói, đây là cuốn thơ của bố chị và bố chị đã qua đời rồi. Tôi bảo chị, hôm nay là ngày Giỗ Tổ, sẽ có buổi giao lưu văn hóa của các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, chị có muốn đến không? Chị bảo, chị mời mẹ chị đến đọc nhé.
Và tối hôm đó, tôi thấy chị dẫn một bà cụ mặc áo dài đến. Bà đã khóc và chia sẻ: chồng tôi khi còn sống ông ấy đã làm những vần thơ này để gửi lại, thể hiện tâm trạng của người xa xứ hướng về quê hương, nhưng mà tôi không thể ngờ được trong cuộc đời này tôi lại có thể được đọc những bài thơ của ông ấy trước bà con kiều bào như thế này. Tôi rất cảm động!
Sau buổi ngày hôm đó, phu nhân của cán bộ Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức đã rất cảm động, bà nói với tôi, bà chưa bao giờ được dự những chương trình mà chạm đến tận đáy lòng như thế này. Nó là một việc vô cùng ý nghĩa.
Và qua những câu chuyện như thế này tôi mới nghĩ rằng, bà con kiều bào sống xa xứ đều muốn được trao gửi, bày tỏ tình yêu đất nước, quê hương. Vậy tại sao chúng ta không ngồi xuống để lắng nghe họ. Tại sao chúng ta không kết nối những sức mạnh, vì đó là nguồn sức mạnh vô song, vô giá của dân tộc Việt.
Sứ mệnh từ tình yêu nước Việt
Phóng viên: Thưa tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến, Ngày Quốc Tổ Việt Nam là một trong những phương thức định vị, vai trò của người Việt ở nước ngoài và tôi hiểu rằng là những điều mà chị đang suy nghĩ đều không phải là dành cho cá nhân mình mà là dành cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Điều gì đã thôi thúc chị luôn hướng đến những công việc không vì mình như thế?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Từ bé đến tận bây giờ thì bản thân tôi cũng chỉ luôn nghĩ rằng nếu không có lý tưởng chắc tôi chết mất. Tôi chỉ có một ước nguyện là cống hiến, cống hiến và cống hiến.
Tôi may mắn là từ 2011 đến nay thì được cấp thẻ phóng viên quốc tế để làm việc tại nội các tại Chính phủ Áo, Văn phòng Thủ tướng, Tổng thống Áo và đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc. Qua công việc, tôi được tiếp cận với các tư tưởng của các nguyên thủ về các phương án, chiến lược mà họ định vị văn hóa và phẩm hạnh của quốc gia họ ở nước ngoài. Qua tích lũy nhiều năm, lý tưởng yêu thương nước Việt, làm cho nước Việt mạnh hơn nó lại càng thôi thúc trong tôi.
Phóng viên: Chị có nói đến những cuộc gặp gỡ rất đặc biệt của mình. Có lẽ là cái sự đặc biệt này nó không chỉ nhân vật được gặp gỡ mà nó còn đến từ những câu chuyện về những cái giá trị đằng sau cuộc gặp gỡ đó?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Vâng, đúng là như vậy! Năm 2014, khi đó chúng tôi đã làm một cuộc kết nối giữa các giáo sư học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Tổng thống Áo Heinz Fischer. Khi tôi làm việc với ngài Tổng thống, tôi mạnh dạn đề xuất và được ngài Tổng thống nhận lời luôn. Kỷ niệm ấy rất là ấn tượng và bất ngờ khi mà vừa mới bước chân vào phòng truyền thống, ngài Tổng thống bắt tay các giáo sư và nói một câu mở đầu: “đất nước của chúng tôi đã mất 99 % diện tích vì hai cuộc thế chiến”.
Và khi ngồi vào bàn làm việc rồi không khí trở nên vô cùng thân tình. Áo và Việt là hai trong số những nước có quyền để nói về hòa bình nhiều hơn ai hết. Việt Nam trải qua các cuộc chiến tranh. Còn nước Áo là trực tiếp và gián tiếp gây ra hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai. Đáng nhẽ là ngài Tổng thống dự kiến là tiếp đoàn 30 phút nhưng kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ.
Cũng phải nói thêm là, Tổng thống Heinz Fischer cũng là giáo sư viện chính trị mà trước đó ông là một trong 500 sinh viên thanh niên năm 1972 đã từng xuống đường biểu tình phản đối cuộc gặp gỡ của Tổng thống Nixon bay sang Áo để đàm phán với các bên về vấn đề hòa bình Việt Nam. Có thể nói, tình cảm của Tổng thống Heinz Fischer vẫn thủy chung trước sau như một.
Còn kỷ niệm nữa mà vừa vui, vừa xúc động với một vị chính khách cao cấp, đó là người phát ngôn của Châu Âu. Năm 2014-2015 kiều bào ở khắp nơi đang biểu tình về sự việc Giàn khoan 981 và tranh chấp ở Biển Đông. Lúc đấy, tôi mới đọc được thông tin này trên Thông tấn xã Việt Nam, tôi có phỏng vấn lấy ý kiến của Phó phát ngôn của Châu Âu. Tôi cứ nghĩ mãi, tại sao lại không phỏng vấn người phát ngôn cao nhất, trong khi ông ấy lại đang ở Áo.
Thế là tôi lấy hết can đảm, tôi hỏi ông ấy: tôi biết ông đến đây để bàn về vấn đề hạt nhân. Nhưng ngoài Biển Đông xảy ra vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp, Châu Âu không thể đứng ngoài cuộc, vì thế tôi mạnh dạn hỏi ông vấn đề này. Ông ấy nhìn tôi chằm chằm và rồi ông hiều tôi là người Việt Nam. Ông ấy chỉ bảo là để lại email và tôi đã nghĩ là ông ấy đã từ chối mình rồi.
Sau bữa trưa, tôi lại chạy theo ông ý và sau đó ông cho tôi một cuộc phỏng vấn và trả lời bằng văn bản phát ngôn của EU đối với vấn đề ở Biển Đông. Trong văn bản có một câu là 50 % lợi ích của EU ở Biển Đông và mong muốn các bên đàm phán, phối hợp với nhau để tìm ra giải pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp.
Tôi cảm thấy tình cảm và trách nhiệm của ông ấy rất lớn nên tôi muốn tặng ông một món quà gì ý nghĩa, nhưng về tìm ở nhà chỉ có gói trà Thái Nguyên mới đúng là một món quà mang đặc trưng Việt Nam. Thế là tôi mang đến tặng ông và nói rằng phát ngôn của ông là vô cùng vô giá đối với dân tộc tôi và công việc tác nghiệp của tôi, vì thế, tôi không có gì cả, chỉ có gói trà nhỏ từ nước Việt gửi tặng ông.
Ông ấy nhìn tôi tỏ vẻ thích thú và nói rất thích uống trà xanh. Ông bảo, tôi đã đến Hạ Long và rất thích. Thế là tôi liền mời ông đến thăm đất nước chúng tôi vì đã lâu rồi ông không quay lại.
Phóng viên: Thưa chị, chị đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Áo, chị cảm nhận như thế nào về cuộc sống của người Việt tại đây?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Tại Cộng hòa Áo, theo một thống kê tương đối, có khoảng 5.000 người Việt đang sinh sống. Cộng đồng người Việt ở đây có một đặc thù khác với nhiều quốc gia khác. Bà con chủ yếu làm việc trong các hãng xưởng và cũng có nhiều nhà trí thức.
Qua công việc được tiếp cận với bà con, một số người tôi cảm nhận là vẫn còn giận dỗi khi nói về Việt Nam. Họ nói với tôi, các anh chị là bên chiến thắng, chúng tôi là bên thua cuộc làm gì có tư cách để nói. Những lúc như thế, tôi có thể nói chuyện với họ hàng giờ đồng hồ và chúng tôi cùng khóc. Tôi cảm được nỗi đau đó.
Tôi vẫn mong muốn ước nguyện rằng bà con kiều bào cùng ngồi lại với nhau cùng hướng về nước Việt. Dần dần chúng ta cũng sẽ hướng được thế hệ trẻ, kết nối với quê hương, nguồn cội được nhiều hơn. Tôi cũng hy vọng, trong một thời gian nữa Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu có thể an vị được tượng Vua Hùng tại Áo và tại các nước Châu Âu.
Định vị văn hóa và phẩm hạnh người Việt ở nước ngoài, cả cuộc đời này tôi phấn đấu vì điều đó
Phóng viên: Có lẽ nhiều người chưa biết TS Nguyễn Thị Bích Yến là một người văn võ song toàn. Chị đã từng làm trợ lý trọng tài Taekwondo tại Sea Games 22 và thi đấu rất nhiều giải cấp quốc gia và khu vực. Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Nhắc đến võ tôi cảm thấy rất xúc động. Vì có một chi tiết là cách đây không lâu, nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Áo - Việt, có một sự việc vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời tôi.
Võ sư Trương Ngọc Để hiện là Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Châu Á, thầy nói là thầy sang đây chỉ để làm một việc, đó là trao Huy chương vì sự nghiệp Taekwondo cho tôi.
Lúc đó, tôi bật khóc, bởi vì trong hàng nghìn võ sinh, hàng nghìn các huấn luyện viên, tôi có được một vinh dự lớn đến như vậy. Và tôi cũng thấy rằng, chính là võ đạo đã làm nên bản lĩnh của mình, tôi luyện nên tính cách của mình.
Phóng viên: Cuộc sống gia đình có lẽ cũng phải rất trọn vẹn thì mới giúp chị yên tâm để chị làm tất cả những công việc cộng đồng như vậy?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Đúng vậy. Chồng tôi là người Áo. Tôi được gia đình bên chồng rất yêu thương, che chở cho tôi. Tôi với ông xã tôi thì phải nói thật là trong công việc là hợp nhau 200 %. Anh như một người thầy của tôi. Anh cũng là người nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế chính trị Việt Nam.
Phóng viên: Ở nước ngoài nhiều năm nhưng sao chị vẫn giữ mái tóc dài thẳng mượt như phụ nữ Việt Nam truyền thống vậy?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Khi về Việt Nam, các anh vẫn còn trêu là rất ấn tượng với cô trọng tài mà tóc dài đến hông còn ở đây thì mỗi lần tôi ngỏ ý muốn cắt bớt thì cả chồng và con trai tôi đều không cho cắt.
Và còn một điểm nữa là tôi luôn ý thức mặc áo dài trong các sự kiện mang tính quốc gia, quốc tế. Chẳng hạn, mỗi một lần tôi tác nghiệp Liên Hợp Quốc tôi đều mặc áo dài Việt Nam vì áo dài nó toát lên một phẩm hạnh của nước Việt.
Phóng viên: Chị đã làm rất là nhiều những việc khác nhau vì cộng đồng trong tương lai. Chị có nghĩ rằng đây vẫn là sứ mệnh mà mình sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực vẫn tiếp tục vì nó mà lao tâm khổ tứ hay không?
TS Nguyễn Thị Bích Yến: Tôi nhắc lại là tôi là người sống có lý tưởng, dù có như thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn ước nguyện là tiếp tục cùng với những người có phẩm hạnh của nước Việt trong và ngoài nước tiếp tục sứ mệnh kết nối cộng đồng người Việt xa xứ, dù cho nó rất là chông gai, vất vả.
Nói rằng tôi đã từng suy nghĩ bỏ cuộc bao giờ chưa, có. Đã kiệt sức bao giờ chưa, rất nhiều lần. Nhưng có uống nước lã thì mình cũng vẫn là người sống có lý tưởng. Lý tưởng của tôi là định vị văn hóa và phẩm hạnh của nước Việt ở nước ngoài. Cái lý tưởng mà cả cuộc đời này tôi cũng ước nguyện là phấn đấu vì điều đó.
Phóng viên: Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến với những chia sẻ vừa rồi. Xin chúc những dự định những kế hoạch của cá nhân, chị cũng như cộng đồng kiều bào của chúng ta ở nước ngoài sẽ thành hiện thực. Tôi tin rằng, với tấm lòng yêu nước Việt, các anh các chị có thể kết nối và lan tỏa tình yêu thương này để cho một hình ảnh Việt Nam đã đẹp và ngày càng đẹp hơn, đã tự hào rồi sẽ ngày càng tự hào hơn. Bởi một bông hoa đâu thể tạo nên một mùa xuân đẹp, một cành cây cũng không thể tạo thành một cánh rừng. Chúc chị thật nhiều sức khỏe!