Nhà văn Lê Lựu, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng trong nền văn học nước nhà như: Mở rừng, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng... Ông sinh năm 1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nguyên là phóng viên báo Quân khu Ba, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559.

Ông theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá (của Hội Nhà văn Việt Nam), làm biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi, Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhà văn Lê Lựu cũng từng là Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam.

Lê Lựu là cha đẻ của nhiều nhân vật luôn đau khổ, bất hạnh trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. Ông từng nói: "Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát".

Sinh thời, khi tự đánh giá về cuộc đời mình, ông cho biết: "Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi".

Lê Lựu tự hào khi trong đời viết văn của mình, ông từng là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ thời kỳ hậu chiến để "bắc nhịp cầu văn hóa". Ông trải lòng: "Tôi chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất của tôi, trồng rau cuốc đất, sống như người nông dân".

Tiểu thuyết Thời xa vắng phác họa chính cuộc đời của nhà văn Lê Lựu, cũng nhờ tiểu thuyết này mà tên tuổi nhà văn được đông đảo văn giới và công chúng các thế hệ biết tới. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Sóng ở đáy sông (được chuyển thể thành phim truyền hình nổi tiếng, làm nên tên tuổi của NSƯT Xuân Bắc trên màn ảnh nhỏ), Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc...

Nhà văn Lê Lựu từng đoạt giải nhì báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn Người cầm súng, giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết Thời xa vắng.