Vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 ở làng Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, nay là xã Sơn Đồng, TP Hà Nội, có hai người anh em họ đồng niên, đồng tộc nổi tiếng học giỏi luôn được nhắc đến trong những dịp trọng đại của làng.

Cùng sinh ra nơi địa linh nhân kiệt, gia tộc có truyền thống nền nếp đèn sách. Hai người đều học giỏi, người anh được coi là thần đồng, là động lực để người em phấn đấu. Hai anh em họ đó là Tiến sĩ Nguyễn Trí Vị và Tiến sĩ Nguyễn Trí Cung.

Cả hai cùng đỗ Tiến sĩ nhưng cách nhau 9 năm. Tuy không làm quan cùng thời vì Tiến sĩ Nguyễn Trí Cung đỗ đạt trước 9 năm và mất sớm từ năm 37 tuổi, nhưng người em họ là Tiến sĩ Nguyễn Trí Vị đã tiếp nối công cuộc dang dở của người anh và có những đóng góp trong việc đào tạo nhân tài, nhất là khi đảm nhiệm chức quan Tế Tửu Quốc Tử Giám.

Nguyễn Trí Vị tự là Hền Nhu, hiệu Phúc Diên, sinh giờ Mùi, ngày 14 tháng 4 năm Canh Tuất (1670). Theo các tư liệu lịch sử ghi chép về truyền thống khoa bảng, Sơn Đồng là vùng đất có truyền thống hiếu học, anh hùng từ lâu đời với 20 dòng họ có người đỗ Đại khoa trong thời kỳ phong kiến, trong đó dòng họ Nguyễn Trí có hai Tiến sĩ đồng niên là Nguyễn Trí Cung và Nguyễn Trí Vị.

Sinh ra trong dòng tộc có truyền thống đèn sách nên từ nhỏ Nguyễn Trí Vị rất chăm chỉ học hành. Ông cùng với người anh họ là Nguyễn Trí Cung thi đua học. Mùa xuân năm Quý Mùi, niên hiệu Chính Hoà (tức năm 1703), triều đình mở khoa thi, Nguyễn Trí Cung và Nguyễn Trí Vị cùng tham gia, nhưng chỉ có Nguyễn Trí Cung đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, được làm lễ vinh quy bái tổ rất long trọng. Sự kiện này khiến cho Nguyễn Trí Vị càng có thêm động lực ngày đêm dùi mài kinh sử. Tuy nhiên, phải đến 9 năm sau, vào năm Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (tức năm 1712) triều đình mở khoa thi, Nguyễn Trí Vị tham dự và cũng đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân.

Ngay năm đó, ông được vua sắc phong khen ngợi vì đã đỗ đạt, đồng thời cử ông làm Giám sát ngự sử đạo Hải Dương, với chức trách giữ việc giám sát bách liêu, tuần án quận huyện, cứu thị hình ngục, chỉnh đốn triều nghi ở địa phương.

Năm 1714, ông được thăng chức Hiến sát sứ tỉnh Thái Nguyên, hàm chánh lục phẩm. Hiến sát sứ là chức quan đứng đầu của Hiến sát sứ ty, chịu trách nhiệm quản lý việc thực hiện chức trách của Hiến sát sứ ty: Đàn hặc, khám đoán, xét hỏi, hội đồng kiểm soát, khảo khóa, tuần hành.

Là vị quan tài năng lại tận tụy, cẩn trọng, ông được triều đình đánh giá cao nên sau đó được triệu về kinh, sung làm Hàn lâm viện Đãi chế, chuyên việc hiệu đính văn thư, từ mệnh, lệnh chỉ, sắc phong…

Đầu năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1737), ông được sắc phong giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám Thăng Long, chức quan đứng đầu trường Quốc học - một trong những chức quan quan trọng đối với nền giáo dục, đào tạo nhân tài. Trên cương vị mới, Nguyễn Trí Vị tổ chức đánh giá sự tiến bộ trong học thuật của học trò để triều đình cất nhắc và bổ dụng.

Theo các tư liệu lịch sử, là một người tài năng nên khác với nhiều người thời đó, sau khi đỗ đạt mới được bổ nhiệm, Tiến sĩ Nguyễn Trí Vị đã đảm nhiệm nhiều chức quan từ trước đó. Sau khi đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Trí Vị tiếp tục sự nghiệp làm quan của mình đến chức cao nhất là Tế tửu Quốc Tử Giám. Ở chức quan này, Nguyễn Trí Vị đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước.

TS Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội cho biết: “Với chức trách của vị Tế tửu, ông không chỉ quản lý Văn Miếu mà còn tổ chức việc giáo dục và học tập của học trò tại Quốc Tử Giám. Ông đã làm tốt chức trách của một vị Tế Tửu, một nhà giáo. Cũng chính trong thời kỳ này nhiều học trò của Quốc Tử Giám đã trở thành các nhà khoa bảng nổi tiếng của đất nước, ví dụ như Tiến sĩ Vũ Miên, sau này là một danh sĩ của Kinh Bắc và cũng trở thành Tế tửu Quốc Tử Giám. Nguyễn Trí Vị đã được triều đình sắc phong và khen ngợi là người có tâm thuật, hành sự cung kính, trung cần”.

Thời gian làm quan trong triều, Nguyễn Trí Vị luôn thể hiện là người có tài, có đức, luôn có ý thức góp sức xây dựng quê hương và phụng sự đất nước, khích lệ chí khí hậu sinh. Ông là người góp phần quan trọng trong việc xây dựng Văn miếu Đan Phượng, là người soạn bài ký cho bia “Văn miếu Đan Phượng huyện bút ký” đặt tại Văn miếu Đan Phượng.

Năm 1743 Nguyễn Trí Vị qua đời, hưởng thọ 74 tuổi. Nhà vua hay tin đã phong tặng ông là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Công bộ Hữu thị lang Đan Sơn bá và ban cho 500 quan tiền để làm ma chay, 200 quan cho con cháu dùng vào việc thờ cúng hàng năm.

Khâm phục tinh thần hiếu học cùng những đóng góp cho quê hương, tại Sơn Đồng, người dân đã lập đền thờ 2 vị Tiến sĩ Nguyễn Trí Cung, Nguyễn Trí Vị. Cho tới ngày nay, những câu chuyện về 2 vị vẫn được người đời nhắc nhớ. Bên cạnh đó, không chỉ hiển hiện sống động trong những câu chuyện kể, Tiến sĩ Nguyễn Trí Vị còn được lưu truyền trong những câu răn dạy hậu thế trải qua hơn 300 năm vẫn còn nguyên giá trị. Ví dụ như câu: “Giáng tâm thụ ngôn, ôn cung tiếp hạ”, nghĩa là: Lắng lòng nghe thiên hạ sẽ trưởng thành, hay câu “Nhất viết đức vọng dĩ phục thiên hạ chi tâm”, nghĩa là: Dùng tài trí để giải quyết những việc trong thiên hạ.

Những câu chuyện, những lời răn dạy của bậc tiền nhân luôn được ôn nhắc trong các cuộc hội ngộ dòng tộc để cháu con luôn tự hào mà phát huy. Từ tấm gương của hai anh em họ Nguyễn Trí Cung, Nguyễn Trí Vị, ngày nay, dòng họ Nguyễn Trí ở Sơn Đồng có hàng chục người đỗ đạt là Tiến sĩ, Thạc sĩ, mỗi năm hàng chục cháu đỗ đại học… Con cháu đều ý thức trọng sự học làm đầu.

Ghi nhớ công ơn 2 vị tiến sĩ cùng các vị tiền nhân của dòng họ Nguyễn Trí, nhân dân Sơn Đồng và dòng họ thành kính tổ chức lễ dâng hương vào tháng Chạp âm lịch hàng năm tại đền thờ họ Nguyễn Trí.