Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc. Tỉnh đã xây dựng, phát triển được những sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên lợi thế nguồn tài nguyên văn hoá giá trị, từng bước phát huy được các tiềm năng thế mạnh về du lịch, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách, đồng thời đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2023, tổng số lượt khách du lịch Thái Nguyên đạt 2.498.200 lượt (trong đó khách quốc tế 20.100 lượt, khách nội địa 2.478.100 lượt); tổng thu từ du khách ước đạt 2.114 tỷ đồng, tăng 18,75% so với cùng kỳ và bằng 71,48% so với chỉ tiêu đạt 3.000 tỷ đồng tổng doanh thu từ du lịch đến năm 2025.

Thái Nguyên là vùng đất có truyền thống cách mạng, lịch sử văn hoá lâu đời. Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích cấp quốc gia và 232 di tích cấp tỉnh; 550 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Cùng với những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, ẩm thực phong phú... Thái Nguyên hiện là điểm trải nghiệm văn hoá trà đặc sắc với gần 200 làng nghề. Đây chính là những tiềm năng, lợi thế lớn của Thái Nguyên trong phát triển du lịch.

Thái Nguyên hiện chú trọng xây dựng và phát triển 4 loại hình sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn hóa trà, đẩy mạnh sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh... đồng thời tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.

Tại hội nghị, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên công bố số hoá dữ liệu 3D, VR360 trên nền bản đồ số đối với 3 điểm du lịch: Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè và Trung tâm thương mại và du lịch Dũng Tân. Đây sẽ là tiền đề quảng bá và truyền thông hiệu quả từ xa về các điểm du lịch, cung cấp cho du khách một chuyến tham quan ảo tại nhà thông qua mô hình du lịch ảo, qua đó thu hút sự quan tâm của du khách và thúc đẩy hoạt động du lịch trực tiếp đến Thái Nguyên.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nhằm tiếp tục xây dựng, nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản, OCOP, làng nghề gắn với chương trình phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên đề xuất: Trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp như: hoàn thiện việc quy hoạch và quản lý nhà nước về phát triển du lịch nông nghiệp cho từng địa phương. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác để... Đẩy mạnh truyền thông về phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm OCOP, làng nghề nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới...

Theo Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, năm 2024 tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát huy tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên. Tiếp tục triển khai hiệu quả phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch...

Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh tuyên bố phát động phong trào “Người Thái Nguyên đi du lịch Thái Nguyên”.