Đây cũng là chủ đề Tọa đàm bàn giải pháp phát triển sản phẩm du lịch tại các điểm đến gắn với vùng chè đặc sản, tạo ra các tour, tuyến du lịch, dịch vụ và cơ sở hạ tầng có chất lượng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức tỉnh Thái Nguyên ngày 03/12.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phó Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, hội thảo nhằm đẩy mạnh truyền thông quảng bá tiềm năng thế mạnh của du lịch Thái Nguyên gắn với sản phẩm trà, văn hóa trà. Đồng thời xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch cộng đồng các vùng chè dịch vụ và cơ sở hạ tầng của địa phương, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Thái Nguyên, tăng cường kết nối các sản phẩm du lịch giữa các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thái Nguyên sở hữu nguồn tài nguyên phong phú phục vụ ngành du lịch khai thác, phát triển với hơn 1.000 di tích; 23 di sản văn hóa phi vật thể; gần 300 làng nghề; hơn 230 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao.

Tại toạ đàm, các đại biểu cho rằng, hầu hết các sản phẩm du lịch của Thái Nguyên đều được gắn với văn hóa trà. Song để phát triển bền vững, hiệu quả, xứng tầm, thu hút hơn sự quan tâm của du khách, ngành du lịch Thái Nguyên, trực tiếp là các khu, điểm đến nên quan tâm hơn đến công tác truyền thông, quảng bá về du lịch, về đầu tư đào tạo nguồn nhân lực và nâng cấp hạ tầng cơ sở.

Ông Trần Bá Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thái Bình cho rằng, ngoài sản phẩm chè thì các điểm đến nên tạo dựng phòng trà có dấu ấn riêng, ví dụ như ly uống trà sẽ khắc tên của đơn vị đó. Bên cạnh đó, theo ông Bá Phúc, nên có thêm sản phẩm bonsai trà để tăng thêm trải nghiệm cho du khách hoặc để du khách mua về làm quà.

"Đặc biệt về ẩm thực thì nên có đặc thù riêng của 4 vùng "Tứ đại danh trà" của Thái Nguyên gồm: Vùng chè Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ); vùng chè xã Tức Tranh (Phú Lương); vùng chè La Bằng (Đại Từ) và vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên)", ông Bá Phúc đề xuất.

Nhân dịp này, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên cũng giới thiệu đến các đại biểu cuốn sách “Ai đem giăng sáng giãi trên đồi chè”. Tên cuốn sách là một câu thơ tuyệt đẹp của nhà thơ chân quê Nguyễn Bính mà mỗi lần đọc lại thấy bồi hồi. Với gần 300 trang, sách bố cục theo trục thời gian, không gian, thuận tiện để du khách lựa chọn những thông tin cần thiết cho hành trình khám phá xứ trà qua từng phần: Vương vấn bóng dáng tiền nhân; Những miền quê yêu dấu; gửi tình về xứ Thái; cảnh sắc quê tôi; đượm mãi vị trà Thái.