Với mong muốn quảng bá, giới thiệu tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hoá, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các địa phương cùng các chuyên gia, các đơn vị lữ hành tiến hành khảo sát kỹ địa hình, sản phẩm dịch vụ, xây dựng tuyến du lịch đi bộ trong rừng. Cùng với đó, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, đào tạo, tập huấn thực hành tour, sát hạch và cấp chứng nhận cho các học viên có khả năng hướng dẫn khách trên cung đường trekking. Tỉnh kỳ vọng thông qua sản phẩm mới này để đón thêm nhiều du khách trong nước và quốc tế, mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển điểm đến.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, những năm gần đây, du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên là loại hình du lịch mới nổi, rất được ưa chuộng và thu hút sự quan tâm của khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ, bởi những trải nghiệm thú vị và nhiều cung bậc cảm xúc mang lại cho khách lịch.
Trekking là hình thức du lịch dã ngoại đi bộ đường dài và khám phá thiên nhiên. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của các huyện miền núi phía Tây, nơi núi rừng trùng điệp, gồm 11 huyện, với 7 dân tộc anh em sinh sống. Đây không chỉ là nơi lưu giữ không gian văn hóa làng bản với nhiều tập tục sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, mà còn là vùng có ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng gồm: rừng, núi, hồ, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh thắng khác.
Cho đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (thuộc địa phận 2 huyện Quan Hóa, Bá Thước) được đông đảo du khách lựa chọn là điểm đến lý tưởng cho những chuyến du lịch trekking dài ngày. Pù Luông cao 1.700m, cùng với đó là khu rừng nguyên sinh có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại.
Nhiều địa điểm sở hữu những nét đẹp, cảnh quan hoang sơ, được ví như vườn treo trên cao, có thể kể đến như: Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao); đỉnh Pù Luông, Kho Mường (xã Thành Sơn); bản Đôn (xã Thành Lâm); thác Hiêu (xã Cổ Lũng)... Tại đây mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trekking.
Tuy nhiên, cho đến nay, du lịch trekking tại các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn chủ yếu do các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách tự tổ chức, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, mặt khác gây khó khăn trong công tác quản lý môi trường rừng, phòng, chống cháy rừng, bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm trong rừng nguyên sinh...
Vì vậy, để tour du lịch đi bộ trong rừng thực sự trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của du lịch Thanh Hóa, góp phần làm thay đổi bức tranh vùng cao và người dân địa phương được làm chủ và hưởng lợi từ chính sản phẩm du lịch này, ông Phạm Nguyên Hồng đề nghị trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân cam kết, sẽ tập trung chỉ đạo việc quy hoạch, bảo tồn, quản lý và có lộ trình cho việc đầu tư, khai thác các danh thắng một cách bền vững, gìn giữ bản sắc văn hóa, môi trường cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là tài nguyên rừng).
"Chúng ta phải làm sao đảm bảo thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh trên địa bàn, đồng thời không ngừng làm mới và bổ sung các sản phẩm dịch vụ khác để đem lại những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn, khai thác tối ưu nguồn tài nguyên đa dạng của các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa", ông Phạm Nguyên Hồng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã giới thiệu các tour du lịch nội vùng, gồm:
Tour 01: Tuyến trekking đỉnh Pù Gió (1.600m)
Tour 02: Tuyến trekking thăm cây di sản Pơ Mu, Sa Mu
Tour 03: Tuyến trekking ngắm Voọc xám và Vượn đen má trắng
Tour 04: Tuyến trekking ngắm Voọc xám, Vượn đen mà trắng và thăm cây di sản Pơ Mu, Sa Mu
Tour 05: Tuyến trekking Đỉnh Pù Xèo - Thác 7 tầng - Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai