Số sách báo 2.000 bản do chương trình “Cùng bạn đọc sách: Nâng tầm trí tuệ Việt” cùng một số bà con quê hương Cự Đà chung tay hỗ trợ để thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội thiết lập thư viện. Sau nhiều nỗ lực, chiều 18/5, Thư viện làng Cự Đà đã được khai trương trong niềm hân hoan của đông đảo bà con và lãnh đạo xã Cự Khê. Đây là hoạt động thiết thực mà chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện nhân kỷ niệm lần thứ 132 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Lễ khai trương Thư viện Cự Đà, đồng chí Phạm Hồng Dương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Cự Khê vui mừng khi thư viện được thành lập với số lượng sách báo phong phú. Đồng chí cũng đề nghị bà con tiếp tục góp thêm sách báo để thư viện không ngừng phát triển.

“Cảm ơn món quà tinh thần quý báu mà các đơn vị, cá nhân dành tặng cho quê hương. Mong rằng nhân dân Cự Đà sẽ dành nhiều thời gian để đọc và học tập thêm qua sách báo. Đó cũng là hành động cụ thể học tập theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại” - Đồng chí Phạm Hồng Dương chia sẻ.

Ông Vũ Đình Xiêm, Bí thư Chi bộ Thôn Cự Đà xúc động bày tỏ: “Thôn chúng tôi đã có dự kiến xây dựng thư viện từ hơn 2 năm nay. Chúng tôi thực sự vui mừng khi mong muốn này đã trở thành hiện thực với sự tham gia nhiệt tình của những người con của quê hương và đặc biệt là sự hỗ trợ của bà Vũ Dương Thúy Ngà cùng chương trình "Cùng bạn đọc sách: Nâng tầm trí tuệ Việt". Chúng tôi tin tưởng rằng, với vốn tài liệu phong phú này, thư viện sẽ hỗ trợ cho người dân, từ trẻ em, thanh thiếu niên đến người cao tuổi có thể học tập, nghiên cứu và giải trí dễ dàng, thuận lợi”.

Tham dự Lễ khai trương, TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT&DL, người sáng lập chương trình “Cùng bạn đọc sách: Nâng tầm trí tuệ Việt” bày tỏ sự cảm kích trước tinh thần hiếu đọc, hiếu học của người dân Cự Đà. Chính vì thế, bà đã dành tâm huyết cùng chính quyền và nhân nhân nơi đây xây dựng thư viện. Bà mong rằng, mỗi người không chỉ là một bạn đọc mà còn là cộng tác viên của thư viện, tất cả cùng nhau góp phần phát triển văn hóa đọc tại làng nghề nổi tiếng có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời.

Ngày khai trương thư viện đã trở thành ngày hội chung của làng. Rất nhiều người dân và trẻ em đã đến tham quan và lựa chọn sách để đọc. Cụ Vũ Văn Thân đã chia sẻ: “Từ hơn một chục năm nay chúng tôi đã mơ ước xây dựng một thư viện ở nơi đây. Chúng tôi đã cho làm 2 giá sách và có được vài chục cuốn sách, nhưng rồi cũng mai một dần. Mong muốn có một thư viện của làng đến nay đã thành hiện thực. Tôi vui lắm, sẽ đem hơn 100 cuốn sách của nhà đến góp cho thư viện”. Các bậc phụ huynh cũng vui mừng không kém khi thư viện Cự Đà có nhiều sách cho thiếu nhi và sẽ là không gian văn hóa tuyệt vời để mở mang hiểu biết, giải trí cho các con.

Xây dựng và phát triển nông thôn giàu, đẹp, văn minh, hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt mà Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, đặc biệt trong những năm gần đây. Để thực hiện được các mục tiêu Chương trình Xây dựng nông thôn mới đặt ra, việc đảm bảo thông tin cho người dân ở nông thôn có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thư viện, tủ sách ở cơ sở là một trong những giải pháp cấp thiết góp phần cung cấp thông tin cho người dân, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện. Xuất phát từ nhiệm vụ quan trọng đó, chương trình “Cùng bạn đọc sách: Nâng tầm trí tuệ Việt” đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ cho các nơi người dân thực sự có nhu cầu đọc sách. Hỗ trợ thành lập thư viện Cự Đà là một trong những hoạt động cụ thể trong chuỗi hoạt động này.

Cự Đà lâu nay vốn nổi tiếng là một ngôi làng cổ của Hà Nội còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống. Với khoảng 2000 bản sách, thư viện làng Cự Đà mở ra thêm một không gian văn hóa, một địa chỉ lan tỏa tri thức, tạo cơ hội cho người dân nơi đây tiếp cận với thông tin, tri thức, thực hiện việc học tập suốt đời, góp phần thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.