Giá trị từ một buổi trải nghiệm tìm hiểu và thực hành thêu truyền thống

Toàn bộ cửa hàng đồ thêu Tú Thị trên phố Hàng Gai, Hà Nội ngày cuối tuần ngay trước Trung thu được dành cho sự kiện Thêu trăng, một workshop hoàn toàn miễn phí cho bất kỳ ai có mong muốn tìm hiểu và thực hành nghề thêu tay truyền thống của làng Quất Động, Thường Tín. Khung thêu, lụa, chỉ màu được sắp đặt trong không gian nhỏ nhưng ấm cúng.

Chị Phạm Thị Hương, một trong số ít những người thợ lành nghề còn lại của Quất Động đến từ sớm tham gia vào công tác chuẩn bị từ mẫu vẽ trên vải, khung thêu, kim chỉ… Bước vào tuổi 53, chị Hương đã hơn 40 năm gắn bó với nghề.

“Từ khi còn nhỏ ở nhà bố mẹ tôi đã làm ăn gạo nhà nước, một buổi đi học một buổi về nhà thêu với bố mẹ. Cứ tự nhiên thế thôi, không phải đi học ở đâu cả. 6 anh chị em trong nhà đều thế cả”, chị Hương kể.

Việc học nghề thêu cũng như nhiều nghề thủ công truyền thống khác đa phần theo kiểu cha truyền con nối, hình thành kiểu tự nhiên, làm nhiều thành quen. Tuy nhiên, từ chính thực tế làm nghề, chị Hương cho rằng vẫn có những yếu tố để phân thứ bậc người làm nghề, căn cứ vào chính sản phẩm họ làm ra tính theo thời gian làm, độ tinh tế, sống động của sản phẩm. Cũng từ một mẫu hoa trên nền vải, người thợ giỏi phải biết chọn màu chỉ thêu để khi hoàn thiện, cùng màu sắc thì hình khối, thậm chí cả đậm nhạt theo góc nhìn cũng phải phản ánh được bông hoa ngoài đời thực.

Nghề thêu ở Quất Động có một thời gian gián đoạn khi thị trường xuất khẩu sản phẩm sang các nước Đông Âu không còn. Bản thân chị Hương từng phải tạm chuyển sang công việc khác để mưu sinh. Chỉ đến khi đời sống người dân cả nước đi lên, nhu cầu các sản phẩm trưng bày và thời trang lên ngôi mới khiến nghề thêu thủ công nhúc nhích vận hành trở lại.

Sau đó không lâu, nghề thêu thủ công lại đối diện với sự xuất hiện của máy móc. Sản phẩm thêu máy, thêu lắc tay đáp ứng nhu cầu nhanh về số lượng, giá thành lại rẻ. Nhưng chị Hương từ trải nghiệm làm nghề khá tự tin với những sản phẩm thêu thủ công bởi chất lượng cũng như tính cá thể của từng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thời trang, quà tặng cao cấp.

Mấy năm trở lại đây, từ khi vào làm việc ở Tú Thị, chị Hương cũng dần quen việc chia sẻ công việc, kỹ thuật làm nghề và cả những câu chuyện về hành trình hình thành làng nghề Quất Động với mọi người. Điều này xuất phát từ chính mô hình kết nối làng nghề với du lịch, trải nghiệm.

Hoạt động trải nghiệm “Thêu Trăng” trong mùa trung thu năm nay ở cửa hàng của Tú Thị, trên con phố giao thương sầm uất bậc nhất của Hà Nội theo bạn trẻ Nguyễn Phương Lan sẽ giúp mọi người hiểu giá trị về thời gian, công sức của người thợ cho mỗi sản phẩm thêu, đồng thời tạo không gian trải nghiệm giúp mỗi người tham gia có cơ hội thư giãn, “chữa lành”, nói như ngôn ngữ hiện đại.

“Em không biết một tí nào về thêu nhưng sau buổi hôm nay đã học được vài kỹ thuật cơ bản. Như em làm cả một ngày không ra được một cái hình bé nên chắc chắn sẽ phải rất kiên trì, ngoài đấy phải tỉ mỉ và phải có các kỹ năng rất siêu mới thêu được những chiếc đèn ông sao, những trái hồng mùa thu đẹp và sinh động đến thế”, Hồ Quốc Đạt, một bạn nam trẻ hiếm hoi tham gia buổi trải nghiệm Thêu Trăng học ngành công nghệ đến với hoạt động tìm hiểu và thực hành thêu tay như cách để thử thách khả năng bản thân.

Thêu tay truyền thống từ một buổi trải nghiệm tìm hiểu và thực hành đã cho các bạn trẻ hiểu hơn về những tố chất cần có ở một người thợ thêu. Đó không đơn giản chỉ đòi hỏi sự cần cù, tỉ mẩn mà còn cần óc sáng tạo, khả năng phối màu chỉ thêu giống như họa sĩ.

Nghề thêu truyền thống vẫn thiếu lao động kế cận

Thiếu đội ngũ kế cận là thực tế được chính chị Phạm Thị Hương thừa nhận. Cả 6 anh chị em chị Hương đều có thời gian theo bố mẹ làm nghề từ những bước sơ khởi, dù vẫn biết thêu nhưng con cháu trong nhà không ai theo nghề.

“Đây được xem như thực trạng chung của nghề thủ công truyền thống, không riêng gì nghề thêu. Lí do các bạn trẻ hôm nay có khả năng tìm được một công việc có thể mang lại tài chính cho cuộc sống nhanh hơn. Trong khi đó nghề thêu chẳng hạn cũng khá khó khăn nếu không thực sự có được thương hiệu tốt, sản phẩm không được nhìn nhận đúng về thời gian, công sức để tính ra giá thành”, chị Bùi Thị Mai Lan, chủ thương hiệu Tú Thị, người đã cùng một số bạn bè trong những năm qua nỗ lực khơi lại nghề thêu của làng Quất Động phân tích.

Để kéo được những người thợ lâu năm và lành nghề như chị Phạm Hương trở lại với khung thêu, điều trước tiên chị Lan cho rằng cần đảm bảo thu nhập tương đương hoặc hơn công việc khác. Điều này hoàn toàn chính đáng và luôn được các doanh nghiệp Start up như Tú Thị đặt làm nhiệm vụ quan trọng. Thợ thêu giỏi mới mong có sản phẩm chất lượng được thị trường chấp nhận. Lao động trẻ của làng cũng bắt đầu trở lại nhưng so với thời cả làng làm nghề vẫn chưa thấm vào đâu và vẫn giống như một bài toán khó về nhân lực với các doanh nghiệp như Tú Thị.

Và để nâng giá trị sản phẩm thêu, giúp khách hàng hiểu hơn cũng như sẵn sàng trả công xứng đáng cho mỗi sản phẩm của người thợ, chị Lan cùng các đồng sự tìm hiểu, khai thác thêm những hướng đi khác. Mô hình tham quan, trải nghiệm nghề thêu ngay tại xưởng cùng thợ nghề ngay tại làng Quất Động cùng lúc tạo ra nhiều giá trị khác nhau. Thợ thêu có cơ hội trò chuyện, chia sẻ, hiểu những nhu cầu, xu hướng từ khách hàng. Những người tham gia trải nghiệm học và tập thêu thấy được thời gian, công sức và cả tài khéo người thợ đưa vào mỗi sản phẩm.

Ngoài ra, hoạt động này còn tạo nên sản phẩm du lịch làng nghề hấp dẫn. Sản phẩm thêu tay làm ra có thị trường, được người tiêu dùng đón nhận, không gian làng nghề phát triển dịch vụ du lịch sẽ hút lao động trẻ đang “ly hương” trở về, tiếp tục làm nghề cha ông. Bài toán khó về nhân lực làng nghề đã có lời giải. Nhưng hành trình để nghề thêu truyền thống hưng thịnh trở lại vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa.