Chương trình nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả; hình thành thói quen, nhu cầu phát triển, kỹ năng và phong trào đọc sách trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi.
Mục tiêu của chương trình cũng nhằm thu hẹp khoảng cách về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện hội nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ tháng 7 đến tháng 12/2023, chương trình thực hiện tại 120 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ) thuộc các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An.
Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng gồm mua giá sách; mua tài liệu, sách về nội dung: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao, gia đình và du lịch; về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số và chủ đề khác có liên quan đến dân tộc thiểu số phù hợp với đối tượng thụ hưởng.
Kinh phí thực hiện chương trình trích từ nguồn ngân sách trung ương năm 2023 của Bộ VH-TT&DL cấp cho Vụ Thư viện để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã bàn giao sách, hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã phát huy được hiệu quả. Tủ sách cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận với văn hóa đọc, là nguồn tài liệu để phục vụ cho học tập, công tác, giải trí, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao dân trí, từ đó góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.