Nhằm nhận diện những khó khăn thách thức để thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa công tác thư viện trong bối cảnh phát triển công nghệ 4.0, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện trong lực lượng công an nhân dân, tiến tới mạng thông tin thư viện quốc gia, ngày 9/12, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề: "Chuyển đổi số hoạt động thư viện trong Công an Nhân dân - Thực trạng và giải pháp".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an nhấn mạnh: "Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, xã hội số. Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Công an đã triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu tổng quát là đến năm 2030 chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong thư viện công an nhân dân, xây dựng công tác thư viện trong CAND chuẩn hóa, hiện đại, tạo môi trường học tập suốt đời cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần tích cực vào công tác xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã có những tham luận sát thực tiễn, chỉ rõ thực trạng và những khó khăn trong công tác chuyển đổi số hiện nay. Theo Thiếu tướng TS Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Công an, chuyển đổi số trong CAND là một chương trình quan trọng nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Bên cạnh tính đặc trưng về công tác bảo mật dữ liệu của ngành thì thực trạng hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin hiện nay trong CAND còn chưa được đầu tư đồng bộ cũng là một trở ngại lớn. “Nhiều hệ thống phần mềm, ứng dụng chưa được trang bị triển khai cho địa phương, do vậy việc trao đổi thông tin, dữ liệu còn kém hiệu quả” - Thiếu tướng Dương Văn Tính cho biết.

“Hạ tầng công nghệ thông tin nhiều nơi chưa đồng bộ, chưa khai thác hiệu quả việc dùng chung hạ tầng. Phần lớn các hệ thống ứng dụng được triển khai riêng lẻ, chưa có khả năng kết nối dữ liệu. bên cạnh đó chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin nhiều đơn vị còn hạn chế… Điều này đòi hỏi ngành CA phải có nhiều đổi mới hơn nữa” - Thiếu tướng Vũ Hữu Tài, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an bày tỏ.

Thực trạng vấn đề về cơ sở hạ tầng, chất lượng đội ngũ cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin để từng bước xây dựng thư viện số dùng chung không chỉ là thách thức của riêng ngành thư viện CAND mà cũng xảy ra tương tự ở thư viện Quân đội và thư viện dân sự. Những vấn đề căn cơ được nêu ra phần nào cho thấy những khó khăn, thách thức đặt ra nhưng cũng từ đó để có những giải pháp giúp đưa thư viện số hình thành ngày một rõ nét hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã chỉ ra mối quan hệ của xuất bản, xuất bản điện tử và thư viện trong thời kỳ chuyển đổi số. Tham luận đã làm rõ mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh để từ đó định vị lại chiến lược của mình và cùng nhau phát triển trong bối cảnh mới hiện nay.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhiều ý kiến các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp. Riêng về phát triển dữ liệu số, các thư viện sẽ ưu tiên số hóa tài liệu cổ, quý hiếm, tài liệu về quân sự, an ninh, hay các đề tài liên quan đến cách mạng.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đã đề ra các giải pháp để có thể đảm bảo an toàn, an ninh mạng, quản lý, giám sát an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, đảm bảo cơ chế sao lưu, các thiết bị đầu cuối liên quan; Tổ chức lực lượng ứng cứu các sự cố về đảm bảo an toàn, an ninh mạng; Xây dựng cơ sở hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số, đảm bảo rằng thông tin đáng tin cậy, an toàn, lành mạnh. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; xây dựng, hoàn thiện, phát triển nền tảng số, hạ tầng số của thư viện.

Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ Trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL, ngoài việc ưu tiên số hóa các tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu thư viện tập trung (dữ liệu số, mục lục liên hợp, dữ liệu điện tử, dữ liệu mở…), hoàn thiện phát triển hạ tầng số cho hệ thống thư viện CAND, thì một điều cần chú trọng nữa, đó là trao quyền cho các thư viện, đặc biệt là các thư viện của các học viện, được nhận các xuất bản phẩm, đề tài nghiên cứu, tài liệu nội sinh, luận văn luận án… dưới cả 2 dạng bản in và bản điện tử để thuận tiện cho việc hình thành vốn tài nguyên phong phú và triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung.

Ngày nay, xu thế chung của các thư viện hiện đại trên thế giới là: tập trung, hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin và tự động hoá. Hệ thống thư viện trong lực lượng CAND cũng không thể tách rời khỏi xu thế chung đó. Hội thảo “Chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND: Thực trạng và giải pháp” thêm một lần nữa để các chuyên gia, nhà nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thúc đấy hoạt động chuyển đổi số thư viện trong CAND.