Diễn đàn tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề quy định pháp lý, đưa sự kết nối giữa các tác giả, các chủ sở hữu quyền có thể khai thác được tác phẩm của mình một cách hợp pháp khi mà Việt Nam đã là thành viên của WCT và Hiệp ước WIPO về bản quyền trên internet, không chỉ bảo vệ tại Việt Nam mà còn đang được khai thác và bảo vệ ở 112 quốc gia thành viên.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, diễn đàn là một trong những hoạt động thường niên thuộc Chương trình hợp tác để triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan được ký kết ngày 4-9-2013 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc.
"Đây là dịp giới thiệu những thay đổi mới nhất về chính sách, quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam và Hàn Quốc, bao gồm những quy định pháp luật liên quan đến tác phẩm nhiếp ảnh. Đồng thời đưa ra những giải pháp, phương hướng hợp tác trong thời gian tới giữa Cục Bản quyền tác giả và Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc nhằm thúc đẩy thực thi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của hai quốc gia", ông Trần Hoàng cho biết.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, khi môi trường số phát triển cũng như công nghệ kỹ thuật ngày càng thay đổi một cách nhanh chóng, vấn đề sáng tạo tác phẩm nhiếp ảnh có phần dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ tác phẩm nhiếp ảnh cũng trở nên khó khăn hơn, khi những vi phạm ngày càng mang tính phức tạp.
"Vì vậy, mong rằng từng cá nhân, từng tổ chức hãy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền, hãy nói không với vi phạm bản quyền, để cùng nhau hợp tác lại, thúc đẩy được nhiều hơn nữa những sáng tạo trí tuệ. Khi chúng ta khai thác, tôn trọng các tác giả thì hy vọng có một nền công nghiệp văn hóa, nền công nghiệp sáng tạo phát triển hội nhập với quốc tế", bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh.
Cũng tại diễn đàn, đại diện Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, một số cơ quan nhà nước có liên quan, các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan… cũng đã phân tích các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, tình hình thực thi pháp luật về bản quyền ở nước ta… Đặc biệt, nhận diện hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh như: sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm. Tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu theo quy định. Sao chép tác phẩm (bao gồm cả dưới hình thức điện tử) mà không được phép của chủ sở hữu. Phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sử hữ. Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền theo quy định. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp công nghệ do chủ sở hữu thực hiện để bảo vệ quyền.
Các đại biểu đã nêu những giải pháp để tăng cường thực thi hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian tới, như hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn, có tính dự báo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan xuyên biên giới, trên không gian mạng…