Đàn Ting ning (còn có tên gọi khác là đàn Goong hay Đinh Goong tùy theo từng dân tộc). Cách diễn tấu đàn này mang chất khỏe khoắn, phóng túng. Anh A Kên – một người am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng ở thị trấn Đắc Tô, huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum cho biết, nguyên liệu để làm đàn Ting ning không khó tìm, cái khó là phải có tai thẩm âm tốt, khi diễn tấu mỗi bài bản đều phải chỉnh dây: "Đàn làm bằng ống nứa và quả bầu khô, cây lồ ô. Úp ống nứa vào bụng, tay phải chạy ngón và tay trái giữ nhịp. Đàn này cứ một bài là mình phải chỉnh dây".

Về dây đàn thì mỗi nơi lại mắc với số lượng khác nhau. Như ở các bản làng dân tộc Ba Na thì đồng bào thường mắc 12 hoặc 14 dây. Khi làm đàn Ting ning, đồng bào Ba Na cũng thường cắt miệng quả bầu rộng để có âm thanh hay – như khẳng định của anh Đinh PLyh ở Bản 1, xã Tơ Tung, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai.

Yêu thích tiếng đàn Ting ning nên anh Đinh JơRam ở làng Leng, xã Tơ Tung, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai đã học cha cách chế tác đàn. Thông thường chiếc đàn Ting ning có hộp cộng hưởng là một quả bầu nhưng chiếc đàn Ting ning mà anh Đinh JơRam tự tay làm có hai quả bầu. Cách đây mấy chục năm khi ở tuổi thanh niên, anh Đinh JơRam thường cùng đám trai làng mang đàn đi chơi trong những đêm trăng: "Đàn này có 2 quả bầu, ban đêm đi chơi đến nhà con gái thì mang đàn đánh cho vui..."

Cây đàn mà đồng bào Ba Na, Xơ Đăng gọi là Ting ning thì đồng bào Gia Rai gọi là Goong. Anh Rơma H’Nat ở bản Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia GRai, tỉnh Gia Lai cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong chế tác đàn Goong. Theo anh Rơma H’Nat, quả bầu làm đàn Goong phải là quả bầu già thì mới cho âm thanh hay. Nhiều chàng trai cô gái Gia Rai thuộc những câu thơ mô tả sức mê hoặc của đàn Goong:

Nghe tiếng đàn Goong nhịp tim xôn xao/ nghe tiếng đàn Goong nhịp chân nghiêng chao/ Tiếng đàn Goong reo rắt, nói lời yêu nhau...

Đàn Goong - đàn Tinh ning - Goong đinh được làm từ các nguyên liệu thô sơ nhưng âm thanh của nó có sức mê hoặc lòng người.

Đồng bào ở các buôn làng Tây Nguyên đã dùng những hình ảnh vô cùng sinh động để ví với tiếng đàn Goong: lúc rạo rực như tiếng chim Chơ Rao, lúc da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như buổi chiều Tây Nguyên dần tắt nắng, hiền dịu như suối chảy róc rách. Những đêm trăng sáng, trai gái ngồi quây quần bên bếp lửa, nhờ tiếng đàn Goong mà nhiều đôi đã thành vợ, thành chồng….