Tọa đàm có sự tham gia của Diễn giả Đặng Thị Thái Hà - Nhà nghiên cứu tại Viện Văn học, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam; Line Papin - nhà văn người Việt thế hệ thứ hai ở Pháp; Maik Cây và Lê Khải Việt - nhà văn Việt Nam.

Ở Việt Nam, các hoạt động liên quan đến quyền bình đẳng cho phụ nữ bắt đầu từ thời kỳ Pháp thuộc. Nó được phản ánh qua những hình thức và tác nhân khác nhau. Vì thế, trong buổi tọa đàm “Từ Độc thoại đến Đối thoại: Tiếng nói của phụ nữ qua văn chương của người trẻ" đã đem đến cho người tham dự một bức tranh tổng quan về tiếng nói của những người phụ nữ Việt Nam. Nổi bật hơn hết là tiếng nói của những người phụ nữ được thể hiện thông qua văn học dưới góc nhìn của các nhà văn trẻ.

Thông qua những câu chuyện ngắn được chiếu trong toạ đàm như: “Mộng Tam sinh" của Maik Cây; “Một chuyến khứ hồi Pháp-Việt” của Line Papin; “Nhà hàng Việt Nam” của Lê Khải Việt, các nhà văn đã thể hiện rõ vai trò và tiếng nói của phụ nữ được nhìn nhận qua quá trình phát triển của xã hội cũng như các bối cảnh khác nhau trong cuộc sống. Từ các mối quan hệ xã hội tại nơi làm việc đến không gian riêng tư trong gia đình và chính bản thân họ khi họ trở về tuổi thơ, về với chính mình.

Nếu như “Mộng Tam sinh“ của Maik Cây mang màu sắc của những sự tích không còn xa lạ với các thế hệ người Việt như: Trăm trứng nở trăm con, Trầu cau, Hòn vọng phu, Chuyện người con gái Nam Xương… và được lấy cảm hứng từ lần đến thăm một ngôi chùa của tác giả, thì “Một chuyến khứ hồi Pháp - Việt” của Line Papin - một nhà văn người Việt thế hệ thứ hai ở Pháp kể câu chuyện tình yêu không biên giới của cô gái Việt giữa những định kiến và ám ảnh còn lại của chiến tranh. Câu chuyện “Nhà hàng Việt Nam” của Lê Khải Việt cũng vậy, tác giả đã đưa công chúng đến một không gian của những người trẻ Việt Nam ở Úc và cách một cô gái trẻ độc lập, trò chuyện thẳng thắn với bạn trai của mình về việc gìn giữ bản sắc Việt Nam thông qua ẩm thực Việt ở nơi đất khách.

Ba câu chuyện cho thấy sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, xuyên biên giới với những vấn đề và những giá trị vẫn còn nguyên tính thời sự của nó. Đó là những hình tượng nữ giới rất độc đáo và gợi nhiều suy nghĩ: sự biến đổi căn tính liên tục của người phụ nữ trong các truyền thuyết dân gian, sự dễ tổn thương trước dư luận xã hội khi yêu một người đàn ông ngoại quốc, sự táo bạo trong ước mơ gây dựng sự nghiệp ở nước ngoài...

"Tôi nhớ hồi bé khi đi ra đường, tôi đã bị mọi người chỉ trỏ chỉ vì tôi là con lai. Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm khi viết tác phẩm này là xoá bỏ định kiến về tình yêu giữa phụ nữ Việt Nam với người ngoại quốc và với những người con lai như tôi" - nhà văn Line Papin chia sẻ.

Tại buổi tọa đàm, nhà văn Maik Cây lý giải việc mình chọn độc thoại như thế này: "Tôi nghĩ rằng mình muốn dành hết phần nói này cho phụ nữ. Bởi vì sự nói năng thưa thốt nó bị chặn lại suốt trong một chiều dài lịch sử, không phải chỉ mình Việt Nam mà là trên toàn thế giới. Khi mà người phụ nữ hôm nay nghe nói về bình quyền, nhưng khi ngoảnh lại họ không biết mình phải níu vào đâu, không biết thả neo và đâu cả”.

Thông qua tọa đàm “Từ Độc thoại đến Đối thoại: Tiếng nói của phụ nữ qua văn chương của người trẻ" cùng những câu chuyện ngắn của Line Papin, Maik Cây và Lê Khải Việt, công chúng có thêm nhiều trải nghiệm về những câu chuyện khác nhau, nhưng đều phản ánh tiếng nói của những người phụ nữ Việt Nam.