Bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2000, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào bao gồm 5 nội dung là: đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh.

Song song với đó là 7 phong trào gồm: xây dựng gia đình văn hóa; làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; Học tập, lao động sáng tạo; Xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển – Học viện Báo chí và tuyên truyền, hơn 20 năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Theo đó, tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh từng bước được khơi dậy; truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí tự lực, tự cường... ngày càng được phát huy. Đặc biệt, thông qua phong trào thì nhận thức, chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của người dân đều có bước phát triển vượt bậc.

Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Đây là điều đã được Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh. Do đó, hơn 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có thể xem là một bước khẳng định vị thế, vai trò của văn hóa, đồng thời như “thổi” một “làn gió mới” vào đời sống văn hóa – xã hội nước ta. "Tất cả các Nghị quyết, đặc biệt là trong Nghị quyết Đại hội XII, XIII nhấn mạnh đến tầm ảnh hưởng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Nhưng muốn từ đường lối của Đảng mà đi vào cuộc sống thì đều phải thông qua những cuộc vận động, những phong trào như thế này và nó ngấm đến tận thôn, bản, làng, xã trên mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, những gì chúng ta đã đạt được trong những năm qua của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung và cuộc vận động ở khu dân cư nói riêng là đáng trân trọng, chứ không phải thỏa mãn. Bởi vì nếu nghiêm túc đánh giá thì rõ ràng chất lượng của phong trào ở góc độ nào đó còn nhiều hạn chế, ở một số địa phương, việc triển khai và thực hiện phong trào còn gặp khó khăn, lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện… dẫn đến chất lượng hoạt động phong trào chưa cao; việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp văn hóa ở một số nơi còn nặng về hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng và tính bền vững.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến việc bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa hiện nay còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng: "Thứ nhất là dân số gia tăng đáng kể trong khi lượng cán bộ chuyên trách lại ít nên tầm bao quát, cập nhật thông tin chưa được thường xuyên, chính xác. Thứ hai là trong quá trình đánh giá, xếp loại có yếu tố nể nang. Thứ ba là có những địa phương, có những cán bộ nặng về bệnh thành tích. Ví dụ có những gia đình chỉ tiêu không đạt nhưng nếu tỷ lệ này cao thì lại ảnh hưởng đến thành tích chung của tổ dân phố, xã, phường... dẫn đến đơn vị mình quản lý không đạt yêu cầu. Vì thế đã đẩy lên cho đạt mục đích nên vẫn còn tình trạng tỷ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hóa cao trong khi môi trường văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp gây bức xúc trong dư luận xã hội".

Để Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực sự là cuộc vận động toàn dân, toàn diện, đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương, trong thời gian tới, ngoài những nhiệm vụ trọng tâm của Thủ tướng Chính phủ đề ra, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động nhân dân tham gia phong trào. Qua đó, phát huy vai trò tích cực của đoàn viên, hội viên, của các tổ chức thành viên… về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh, đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý.

Mời nghe âm thanh chi tiết tại đây: