Kính tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và nhân văn của dân tộc, nhiều nghệ sĩ đã đồng loạt thay ảnh đại diện trên mạng xã hội thành hình cờ rủ, hình hoa sen trên nền đen cùng những lời tiếc thương sâu sắc. Một số văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa chia sẻ hình ảnh, kỷ niệm sâu sắc với Tổng Bí thư trong thời gian ông công tác ở nhiều cương vị khác nhau.

Dù thời gian qua đã lâu, tuổi đã cao, nhưng TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội vẫn nhớ rất rõ những chỉ đạo, góp ý, chỉ bảo ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tôi từng là Giám đốc Sở Văn hóa của thành phố Hà Nội, dưới quyền Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Có những lúc gặp gỡ, họp hành, ông nói những điều rất thấm thía, thậm chí trực tiếp góp ý cho tôi. Ông dẫn trong báo cáo của tôi viết là: “Phát triển văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”. Ông góp ý rất nhẹ nhàng: “Đời sống của nhân dân đã có và đang có. Tại sao lại cho? Nên chăng là “của nhân dân” có phải tốt không?”. Quả thật mình không sâu sát, mình nói quen miệng, cái gì cũng làm thế này, thế kia “cho nhân dân”.

"Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh nhân dân là người sáng tạo ra văn hóa thì phải được hưởng thụ văn hóa ấy. Ông nói rằng: “Diễn những chương trình nghệ thuật đặc sắc mà vé tới mấy trăm ngàn thì ai mua? Người dân lao động có được xem không?”. Ngay sau đó tôi đã có văn bản chỉ đạo tất cả các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội phải phục vụ nhân dân, phải xuống với các xã, đặc biệt những vùng xa xôi, lúc bấy giờ thì Hà Nội xa xôi hẻo lánh là Sóc Sơn thôi” – TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ những bài học không thể quên từ sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Không chỉ quan tâm tới đời sống văn hóa của nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn quan tâm và dành những tình cảm đặc biệt đối với văn nghệ sĩ nước nhà. NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Tôi cũng hết sức may mắn được làm lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật Hà Nội trong lúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng có nhiều dịp gặp ông để báo cáo nhiệm vụ, nghe ông chỉ đạo, định hướng về công tác văn hóa. Có một lần Tổng Bí thư về thăm Nhà hát Chèo Hà Nội, ông rất gần gũi với các nghệ sĩ, mọi người ai ai cũng yêu kính ông. Ông hỏi: “Các nghệ sĩ có sống được bằng nghề không?”. Anh chị em nghệ sĩ thưa thật: “Dạ, chúng cháu sống được bằng nghề, rất may mắn là không cần đi làm thêm nghề khác nhưng mà khó khăn lắm ạ!”. Ông rất xúc động với chia sẻ của văn nghệ sĩ và động viên: “Trong lúc này đất nước còn rất nhiều khó khăn, Hà Nội cũng vậy, văn nghệ sĩ sẽ khó khăn gấp 2 lần, vì văn nghệ sĩ là lao động hết sức đặc thù. Khó khăn thì phải có sự đoàn kết, thống nhất, cùng động viên nhau vượt qua. Nghệ thuật Chèo rất nhiều bà con yêu thích cho nên tạo nhiều buổi diễn hay và phục vụ nhân dân nhiều thì sẽ hết khó khăn”. Đấy là lời Tổng Bí thư động viên nhưng cũng là giao nhiệm vụ cho các nghệ sĩ chúng tôi, những chỉ đạo của ông như một đường hướng lớn để cho các nghệ sĩ phấn đấu".

"Khi dự Hội nghị kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi là người đại diện cho các nghệ sĩ có một bài phát biểu. Lúc đó tôi rất lo lắng, phát biểu trước Tổng Bí thư mà cứ kêu ca về những khó khăn, bất cập cũng ngại. Nhưng tôi nghĩ không có gì bằng cứ nói thật. Khi tôi phát biểu xong, Tổng Bí thư nói rằng: “Bây giờ thay vì kể những thành tích thì chúng ta nên nói được những khó khăn, những tồn tại, hạn chế thì mới phát triển được” – NSND Thúy Mùi rất thấm thía những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với những tình cảm sâu sắc dành cho Tổng Bí thư đáng kính, NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các anh chị em nghệ sĩ của Học viện cũng rất đau buồn trước sự ra đi của ông: “Thực sự là một sự mất mát rất lớn của cả dân tộc, một sự đau buồn tột cùng của giới văn nghệ sĩ. Khi chúng tôi đang làm công tác tuyển sinh và nghe tin Tổng Bí thư từ trần, cả Hội đồng tuyển sinh của Học viện Âm nhạc gần như suy sụp, trầm lắng. Tôi rất nhớ những năm trước đây, nhân dịp đầu Xuân năm mới, Tổng Bí thư thường tham gia buổi gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Ông trò chuyện, trao đổi như một người anh cả, như một người cha dành rất nhiều tình cảm cho những thế hệ trẻ, các nhà khoa học, nhà trí thức, văn nghệ sỹ” - NSND Quốc Hưng bùi ngùi chia sẻ.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà”.

Dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2023), Tổng Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận: “Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao”. Đồng thời căn dặn: “Mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình” và “Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người”, “Đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình”.

Những trao gửi tin yêu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đem đến cho đội ngũ văn nghệ sĩ sự nhận thức mới mẻ và sâu sắc về vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà.