Triển lãm trưng bày gần 100 tác phẩm thư pháp chữ Quốc ngữ được hai tác giả Huỳnh Mỹ Lý và Lưu Thanh Hải chắt lọc, tuyển chọn từ những sáng tác trong nhiều năm qua. Hai tác giả từng là gương mặt tiêu biểu, đại diện thư pháp miền Nam tham gia nhiều cuộc triển lãm thư pháp và hội chữ Xuân do Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội tổ chức từ năm 2019 đến 2023.

Nối tiếp triển lãm “Tâm hoạ” được tổ chức thành công tại Hội Mỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh, triển lãm “Tâm Thanh Tâm Hoạ” lần này tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có ý nghĩa là hai nghệ sĩ đi cạnh nhau, đi cùng nhau, tuy hai nhưng là một. "Một lòng cùng hướng đến chân giá trị, cùng đi tìm những giá trị cốt lõi của bộ môn thư pháp để chuyển tải những vẻ đẹp của đường nét, của vết mực, những rung cảm trong bút pháp và sự đa dạng, phong phú các hình thái biểu cảm của ngôn ngữ đường nét - chữ viết, cùng vận dụng và chuyển thể sang chữ Quốc ngữ", thư pháp gia Lưu Thanh Hải chia sẻ.

Với thư pháp gia Lưu Thanh Hải, anh lựa chọn bút pháp và cách thể hiện phù hợp với phần lớn tác phẩm thể hiện triết lý của Phật, Đạo, Nho và những câu thành ngữ - tục ngữ Việt Nam. Qua nét bút tài hoa, người xem có thể thấy bản kinh Bát Nhã được chép cẩn thận, đường nét gọn gàng, chắc khỏe; hay Thơ thiền của thiền sư Tuệ Trung, Vạn Hạnh, Mãn Giác, Trần Nhân Tông được thể hiện bằng nét bút giản dị, uyển chuyển, nhẹ nhàng bay bổng. "Các tác phẩm của tôi đều sử dụng chất liệu truyền thống như giấy dó và giấy xuyến chỉ, trong đó, nhiều tác phẩm được bồi thủ công hậu kỳ nghiêm túc, bài bản, quy chuẩn theo thư pháp chữ Hán…”

Đến với thư pháp khi đã ngoài 50 tuổi, tác giả Huỳnh Mỹ Lý với bút pháp mạnh mẽ, tràn đầy sinh khí, đường nét chắc khoẻ, đa phần khởi bút "trắc phong" tạo nét vuông vắc, góc cạnh đã đem đến cho công chúng những tác phẩm vô cùng ấn tượng.

Thư pháp gia Xuân Như - Vũ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng điều hành Trung tâm Nhân Mỹ Học Đường (trung tâm đào tạo thư pháp và chữ Hán - Nôm tại Hà Nội), chịu trách nhiệm Giám tuyển của cuộc triển lãm cho biết: "Chữ viết của Mỹ Lý chưa thể gọi là xuất chúng, nhưng nhìn vào tác phẩm, người xem phải công nhận đây là thư pháp đúng nghĩa, nhất là chị sử dụng chỉ hai màu đen trắng truyền thống, khiến cho người sành chữ viết và lớn tuổi ưa chuộng".

Phát biểu tại sự kiện, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, Triển lãm là thành quả của quá trình lao động nghệ thuật với nhiều sáng tạo tâm huyết của hai tác giả đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác phẩm thư pháp được trưng bày thể hiện cái tình của đất và người phương Nam với Hà Nội, với Văn Miếu Quốc Tử Giám. Triển lãm cũng góp phần cho sự kết nối những người hoạt động thư pháp của mọi miền đất nước, làm cho các hoạt động thư pháp ngày càng đa dạng, hấp dẫn hơn và hướng đến giá trị văn hoá, thẩm mỹ cao hơn".

Cổ nhân có câu “Ngôn vi tâm thanh, thư vi tâm hoạ. Ngôn ngữ, tiếng nói là tiếng lòng, từ những điều tai nghe mắt thấy, từ những điều cảm nhận, ánh xạ vạn vật, vạn tượng trong tâm hồn và cảm nhận của mỗi chúng ta. Điều đó được trải lòng ra trên giấy, theo từng nét bút, có tính thiền, là sự tương cảm, sự trải nghiệm trong quãng đường đã qua. Tâm hoạ là cách thức biểu hiện, là viết ra, vẽ ra, phơi bày ra những gì ta có để mong cầu và chia sẻ cảm nhận về mọi sự, mọi vật ấy.

Triển lãm thư pháp "Tâm Thanh Tâm Họa" sẽ là điểm nhấn văn hóa đặc biệt dành cho du khách trong và ngoài nước có đam mê với nghệ thuật thư pháp khi đến thăm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Triển lãm diễn ra tại nhà Thái Học đến hết ngày 31/8/2023.