Triển lãm “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Dấu ấn con đường huyền thoại” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương và gia đình đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Với gần 200 hình ảnh, tài liệu và hiện vật tiêu biểu, cuộc triển lãm thêm một lần nữa phản ánh, khẳng định những công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định: “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng của mình, Trung tướng được giao nhiều trọng trách. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), đồng chí đã có những sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công xuất sắc. Triển lãm này là một hành động cụ thể nhằm tri ân, tôn vinh những dấu ấn, đóng góp to lớn của Trung tướng”.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 01/03/1923 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Vượt lên mọi gian nan thử thách, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã từng bước trưởng thành, trở thành nhà lãnh đạo tài năng, đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau khi thống nhất.
Thượng tá Lê Vũ Huy cho biết, những hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày tại triển lãm “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Dấu ấn con đường huyền thoại” là những tư liệu quý được sưu tầm từ nhiều năm qua, được lưu giữ tại Bảo tàng LSQSVN và gia đình Trung tướng, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu được giới thiệu với công chúng. Chia sẻ với phóng viên VOV2 tại cuộc triển lãm, anh Nguyễn Thế Bắc, con trai thứ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hết sức xúc động và tự hào về cha của mình: “Tại cuộc triển lãm có rất nhiều hiện vật gắn liền với cha tôi, mỗi lần nhìn thấy những hiện vật này ở gia đình, chúng tôi lại càng nhớ và thầm cảm phục cha mình. Và hôm nay khi nhìn những hiện vật tại cuộc triển lãm, tôi cảm thấy nó đặc biệt hơn rất nhiều, rất xúc động và thấy ấm áp. Những kỷ vật này đối với chúng tôi sẽ gắn bó suốt cuộc đời và chúng tôi sẽ để lại cho con cháu biết được bao kỷ niệm của cụ. 2 kỷ vật mà tôi ấn tượng sâu sắc là chiếc va-li do các đồng chí bộ đội Đoàn 559 làm bằng xác máy bay bị bắn rơi trên Trường Sơn kính tặng cụ - lúc đó cụ làm Tư lệnh, để cụ đựng tài liệu, quần áo đi công tác. Thứ hai là chiếc gạt tàn thuốc lá do đồng bào nhân dân tỉnh Quảng Bình tặng cụ. Cụ là người dám nghĩ dám làm, đó là đức tính mà tôi phải học và nguyện noi gương cụ”.
Triển lãm “ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Dấu ấn con đường huyền thoại” được chia thành 4 phần: Phần 1 với tiêu đề “Quê hương, tuổi thơ và lý tưởng hoạt động cách mạng” trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về quê hương, gia đình - nơi hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Vũ sớm tham gia hoạt động cách mạng, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành.
Phần 2 mang tên “Dấu ấn Trường Sơn” là những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh vai trò to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với việc phát triển tuyến đường chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ. Trên cương vị là Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 - Bộ đội Trường Sơn, với tài thao lược, sự mưu trí, sáng tạo, bản lĩnh, quyết liệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã xây dựng nên nghệ thuật vận tải chiến lược quân sự trên Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, phù hợp với thực tiễn chiến đấu, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn tổ chức, xây dựng thế trận giao thông liên hoàn đồng bộ, tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc, trục ngang Bắc - Nam, Đông - Tây trên cả 3 nước Đông Dương; tổ chức xây dựng hệ thống thông tin và hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn; hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát dọc tuyến. Trong cuộc chiến đấu chống lại “chiến tranh ngăn chặn” của đế quốc Mỹ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đề xuất nhiệm vụ, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức lực lượng triển khai tác chiến hiệp đồng binh chủng trên toàn tuyến đường Trường Sơn; bố trí trận địa pháo phòng không, tên lửa đối phó với việc ném bom của không quân Mỹ, tạo thành lưới lửa bảo vệ đội hình vận tải, để đảm bảo công tác chi viện cho chiến trường miền Nam.
Thực hiện phương châm “đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến”, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy Bộ đội Trường Sơn tổ chức lực lượng tại chỗ đảm bảo giao thông và vận tải, đánh địch bảo vệ tuyến đường, phối hợp với bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trên các chiến trường tham gia một số chiến dịch, đập tan cuộc “chiến tranh ngăn chặn” của không quân Mỹ và quân đội Sài Gòn: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị. Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được một hệ thống đường chiến lược bảo đảm cho tất cả loại binh khí kỹ thuật cơ động trong đội hình hành quân của các quân đoàn, binh chủng hợp thành thần tốc tham gia chiến dịch, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phần 3 với chủ đề “Dấu ấn những công trình” gồm những tư liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh những đóng góp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên nhiều cương vị công tác sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. Tiêu biểu trong đó là: Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, nhà máy xi măng Bỉm Sơn, nhà máy giấy Bãi Bằng, nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Hòa Bình và đặc biệt là dự án xây dựng con đường Hồ Chí Minh hiện đại.
Đến với phần 4 với tên “Trọn nghĩa vẹn tình”, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh tình cảm trọn tình, vẹn nghĩa của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với quê hương, đồng chí, đồng đội.
Rất nhiều đồng đội và con cháu đến tham dự triển lãm đã rất xúc động và ngạc nhiên khi được trực tiếp biết đến các hiện vật, tài liệu có giá trị lịch sử, được lưu giữ tại Bảo tàng LSQS Việt Nam, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh và gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Trong đó, có nhiều hiện vật tiêu biểu lần đầu giới thiệu tới công chúng, như: Ống nhòm, máy điện thoại mà Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã sử dụng để theo dõi, liên lạc tới chỉ huy, nắm bắt tình hình, diễn biến, kịp thời chỉ đạo các lực lượng chiến đấu trên tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn năm 1966 - 1975; nhóm hiện vật Mũ, Găng tay, Xẻng được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sử dụng trong lễ khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, do Bộ Quốc phòng tổ chức tại Khe Gát, xã Sơn Trạch - huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình ngày 06/5/2000…
Đại tá Đậu Xuân Tường, Binh trạm 32, sư đoàn 470, một chiến sĩ nhiều lần được gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ấn tượng với hình ảnh Trung tướng ngồi trên chiếc võng. Hình ảnh ấy khiến ông Tường vẫn cảm thấy ấm áp khi nhắc lại những kỷ niệm năm xưa: “Binh trạm 32 là binh trạm “vạn tấn” nên bác Đồng Sỹ Nguyên thường xuyên có mặt kiểm tra, đôn đốc, xuống tận tiểu đoàn xe để động viên anh em. Bác Nguyên là người cao to, đẹp trai, thông minh, quyết đoán nhưng rất gần gũi với anh em chiến sĩ và đặc biệt bác luôn có tinh thần lạc quan. Tinh thần ấy lan sang anh em chiến sĩ. Mỗi lần bác đi kiểm tra thì luôn luôn có máy ảnh bên cạnh và không thể thiếu cái mũ sắt nữa”.
Triển lãm “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Dấu ấn con đường huyền thoại” là hoạt động tri ân những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ra sức học tập công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 22/2/2023 và kéo dài đến hết ngày 05/3/2023 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.