Cuốn sách “Triệu dấu chân qua những cửa ô” của tác giả Nguyễn Trương Quý do NXB Phụ nữ VN và Công ty Cổ phần Truyền thông Nhã Nam ấn hành nhân dịp kỷ niệm 68 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022) và Hội Sách Hà Nội 2022.

Tập du khảo "Triệu dấu chân qua những cửa ô" lần này Nguyễn Trương Quý chọn vẽ chân dung Hà Nội qua những dấu chân đi về. Như anh chia sẻ trong lời nói đầu cuốn sách: "Hà Nội có nhiều cửa ô, tôi chọn biểu tượng này vì lẽ chúng là tên gọi gợi nhớ ngay đến Hà Nội, và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành, tìm hiểu những câu chuyện của đời phố."

Nhiều người gọi Nguyễn Trương Quý là biên niên về Hà Nội hay là từ điển sống về Hà Nội. Cũng đúng, bởi anh đã có trên chục cuốn sách viết về Hà Nội, và có lẽ con số đó chưa dừng lại, một cây viết trẻ hiếm hoi có nhiều sách về Hà Nội đến thế! Cũng qua đó để thấy một Nguyễn Trương Quý yêu Hà Nội đến nhường nào.

“Triệu dấu chân qua những cửa ô” là những quan sát, khảo cứu trong khoảng 100 năm qua, những đường đi lối lại của của người Hà Nội, những phương tiện được sử dụng, những chốn ở và đi quen thuộc cả trong đời thường và trong vọng tưởng. Và trong cuộc đi lại mải miết ấy, theo vòng quay lịch sử, không gian và sự vật đổi thay, kéo theo sự đổi thay của tâm tình người Hà Nội.

Đấy có thể là sự phôi pha của những cửa ô trước sự phát triển của đô thị mới: “Nhưng rồi người Việt cũng mau chóng hấp thụ những hình thái mới, với họ ngã tư và cột đèn trở thành cặp bài trùng mới cho đô thị, thay cho những bến sông và cửa ô. Ngay chính những cửa ô cũng trở thành các ngã tư, ngã năm khi những đoạn tường lũy bị bạt thấp dần trở thành đường đi. Người Hà Nội đã quen với những ngã năm Chợ Dừa, ngã tư Đại Cồ Việt, ngã tư Cầu Dền mà dần quên hình ảnh các cửa ô từng hiện diện cho đến cuối thế kỷ 19. Phạm vi của những khu phố lan dần ra xa hơn những cửa ô, theo những tuyến đường tàu điện về các ngả” (trích trong "Ngã tư dặt dìu cung bậc âm dương" - "Triệu dấu chân qua những cửa ô")

Hay là nỗi hoài nhớ đượm màu lãng mạn của con người dành cho những chiếc tàu điện đã biến mất vì không còn sự thực dụng: “Tiếng leng keng không thay đổi qua năm tháng đã giúp việc hồi cố chồng lấn hai thời Pháp thuộc và bao cấp. Nó khiến người thời bao cấp và cả hậu bao cấp vẫn như được đồng hội đồng thuyền với người thời Pháp thuộc. Nó mỹ hóa ký ức của họ. Họ nhớ tàu điện là nhớ năm tháng nhọc nhằn, để rồi bồi đắp một ý niệm về vẻ đẹp khổ hạnh mà giờ đây lại thành của hiếm” (trích trong "Triệu dấu chân qua những cửa ô")

Khi tìm hiểu những không gian, sự vật, sự kiện, nhân vật trong câu chuyện đi lại này, Nguyễn Trương Qúy luôn đào sâu xuống dưới những mô tả bề mặt, những con số khô khan, để đưa ra nhận xét, phán đoán sâu sắc, thú vị hoặc gây bất ngờ. Điều ấy làm cho cuốn sách một mặt có sức nặng của khảo cứu, mặt khác không thiếu đi sự duyên dáng, nhịp nhàng, thơ mộng của văn chương.

Cuốn sách là một cuộc lãng du chầm chậm theo cả hai chiều không gian - thời gian, hấp dẫn bởi vị sâu lắng ngậm ngùi pha lẫn nét hài hước ý nhị, bởi cho ta nhận thức về việc ta có kết nối gì với quá khứ và vì sao ta ở đây.

Đọc Nguyễn Trương Quý có thể nhận thấy anh rất yêu Hà Nội, yêu từng ngóc ngách Hà Nội. Nhưng trong những lần có người hỏi thì anh lại chỉ nhận là “mình là người yêu Hà Nội thôi, rất lưỡng lự với câu từ “rất yêu Hà Nội”. Mà qua những tác phẩm của Nguyễn Trương Quý cũng không khó để nhận ra một tình yêu Hà Nội nồng nàn mà sâu lắng.

Giải thích lý do tại sao lại chọn khảo cứu trong khoảng 100 năm, trong khi Hà Nội có tới hơn 1.000 lịch sử, Nguyễn Trương Quý bày tỏ: “Tôi lấy khoảng thời gian ước định một trăm năm là vì có ý tìm một sự đối chiếu giữa hôm nay, thập niên thứ hai của thế kỷ 21 với những năm đầu thế kỷ 20. Thay vì cố gắng tạo ra ấn tượng về một quá khứ chân xác kiểu duy vật thuần túy, tôi tìm cách trả lời cho những thắc mắc của chính mình về một sự tiếp biến các biểu tượng và hành vi văn hóa ở Hà Nội nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung bằng cách thử vẽ ra hành trình chuyển động của những điều đó trong liên thông văn bản văn học và văn hóa chung. Bản thân một văn bản văn chương như truyện ngắn, tiểu thuyết, bài thơ hay một bài hát, thậm chí các bài báo cũ chỉ phát huy vai trò của chúng khi được đặt vào một bối cảnh được xem xét chu đáo. Có thể cách làm này được xem như một loại phương pháp “lịch sử mới” hay “tân duy sử”, song tôi luôn tin rằng, suy tư về mức độ, liều lượng của những thứ rất tinh vi ở Hà Nội thực sự cần thiết để hiểu đời sống mảnh đất này”.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

* Sinh ra và sống tại Hà Nội. Tốt nghiệp kiến trúc sư. Hiện viết văn, vẽ tranh, làm đồ họa và truyền thông.

* Sách đã in:

Tự nhiên như người Hà Nội (2004)

Ăn phở rất khó thấy ngon (2008)

Hà Nội là Hà Nội (2010)

Xe máy tiếu ngạo (2011)

Còn ai hát về Hà Nội (2013)

Dưới cột đèn rót một ấm trà (2013)

Mỗi góc phố một người đang sống (2015)

Lê la quà vặt & Ăn quà xuyên Việt (cùng Đặng Hồng Quân, 2016)

Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (2018)

Kể chuyện Tết Nguyên đán (cùng Kim Duẩn, 2019)

Hà Nội bảo thế là thường (2020)

* Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2019