Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Lệnh số 53, công bố “Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác Phòng cháy chữa cháy”. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi về chất trong công tác Phòng cháy chữa cháy của Nhà nước, đồng thời khẳng định một mốc son trong trang sử vẻ vang của lực lượng Công an Nhân dân (CAND), trong đó có lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Ngày 4/10 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH)

Phát biểu tại lễ khai mạc, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn- Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an cho biết, 62 năm qua, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy đã không ngừng được củng cố, xây dựng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đã chủ động tham mưu, đề xuất kiện toàn hệ thống văn bản pháp luật; tăng cường tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý vy phạm; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác... Qua đó đã đem lại những kết quả tích cực trong chữa cháy; kiềm chế gia tăng số vụ cháy lớn, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Trong bất cứ tình huống nào, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ cũng luôn nêu cao tinh thần mưu trí, dũng cảm, không quản ngại hy sinh bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và của nhân dân.

Tuy nhiên trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tại nạn có những diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là tại các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 01/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 06/9/2022 làm nhiều người chết và mới nhất là vụ cháy chưng cư mini tại phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội làm 56 người chết…). Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là lời cảnh báo, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.

Chia sẻ tại sự kiện, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho rằng, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân. Vì thế, Trưng bày chuyên đề “Cháy - kỹ năng phòng, chữa và thoát nạn” là hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực đến cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy lan tỏa sâu rộng, nâng cao năng lực của lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ; kiện toàn, củng cố mô hình lực lượng bán chuyên trách phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở... thiết lập cơ chế phối hợp giữa lực lượng bán chuyên trách với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương, cơ sở nhằm huy động mọi tiềm lực vào công tác phòng cháy và chữa cháy.

Trưng bày chuyên đề “Cháy - kỹ năng phòng, chữa và thoát nạn” giới thiệu khoàng 650 hiện vật, được chia làm 3 chủ đề:

Chủ đề 1: Anh hùng áo lửa: Giới thiệu những tài liệu, hình ảnh, hiện vật lực lượng PCCC chiến đấu và hy sinh phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ đề 2: Hiểm họa từ giặc lửa: Giới thiệu những tài liệu, hình ảnh, một số vụ cháy, nổ gần đây, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản.

Chủ đề 3: Cháy - Kỹ năng phòng, chữa và thoát nạn: Gồm các hoạt động trải nghiệm: Giới thiệu lý thuyết tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp về cách phòng, chống cháy nổ; kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn; Xem phim tư liệu gồm 12 clip được mã hóa QR giới thiệu: Kỹ năng thoát nạn khi cháy ở chung cư, nhà cao tầng; Sợi dây tử thần; Khắc tinh của lửa… Trải nghiệm thực hành kỹ năng dập lửa, kỹ năng thoát nạn trong đám cháy có khói, kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân.

Cô Dư Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Hôm nay, khi được tham quan, trải nghiệm trưng bày chuyên đề “Cháy-Kỹ năng phòng, chữa và thoát nạn”, cô trò chúng tôi hiểu thêm về những chiến công, thành tích, khó khăn, vất vả hy sinh của lực lượng cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ trong quá trình cứu chữa các vụ cháy bảo vệ tài sản tính mạng của người dây. Qua đây, toàn thể giáo viên, học sinh, nhân viên nhà trường nghiêm túc hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy; thực hiện nghiêm qui định về phòng chống cháy nổ tại trường học, nơi công cộng, khu dân cư nơi sinh sống. Hy vọng không còn những nỗi đau do giặc lửa gây ra trong tương lai", cô Dư Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Em Hoàng Tuệ Nhi, học sinh trường THPT Việt Đức cho biết, qua báo chí, các phương tiện truyền thông, em cảm nhận được những mất mát lớn lao mà giặc lửa gây ra. Cũng qua đó thêm hiểu về sự dũng cảm hy sinh, bất chấp hiểm nguy để cứu nạn, cứu hộ của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC để đem lại an toàn và bình yên cuộc sống cho người dân. "Cháu thực sự ngưỡng mộ và biết ơn khi được tham quan, trải nghiệm sự kiện mang nhiều ý nghĩa và thiết thực này", em Hoàng Tuệ Nhi chia sẻ.

Chuyên đề trưng bày sẽ mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 4-14/10/2023 tại Bảo tàng Công an Nhân dân, số 1 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.