Thái Nguyên được biết đến là tỉnh có diện tích trồng chè cũng như sản lượng chè lớn nhất cả nước với trên 22 nghìn ha trồng chè, đem lại thu nhập cao cho người dân. "Trước kia, cây chè Thái Nguyên là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng hiện nay chè giúp cho người dân làm giàu và gắn với làm du lịch", ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên chia sẻ.
Được mệnh danh là “Tứ đại danh trà Thái Nguyên”, gồm: vùng chè Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ); vùng chè xã Tức Tranh (Phú Lương); vùng chè La Bằng (Đại Từ) và vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Trong đó, Tân Cương và La Bằng là 2 địa phương có sản lượng diện tích lớn nhất. Nơi đây đã và đang vận dụng khai thác để phát triển du lịch, trong kế hoạch định hướng quy hoạch cũng xác định là các vùng chè tập trung gắn với phát triển du lịch.
"Để khai thác hiệu quả thì ngoài sản phẩm chè, các điểm đến nên tạo dựng phòng trà có dấu ấn riêng, ví dụ như ly uống trà sẽ khắc tên của đơn vị đó. Hoặc có thêm sản phẩm bonsai trà để tăng thêm trải nghiệm cho du khách, để du khách mua về làm quà", ông Trần Bá Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.
Ông Phúc cũng lưu ý, phát triển du lịch nông nghiệp phải giữ được môi trường và đảm bảo cây xanh, sạch đẹp. Bên cạnh đó, nên thành lập các Câu lạc bộ văn nghệ để làm sao giữ gìn truyền thống văn hoá, lồng ghép vào các chương trình du lịch tour tuyến, từ đó quảng bá, lan tỏa hình ảnh, mang lại ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho rằng, Thái Nguyên có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch (du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch đồi chè). Do vậy, cần tập trung khai thác, tạo dấu ấn cho du khách. "Du lịch là quảng bá đặc sản cho địa phương tốt nhất. Nếu biết khai thác tốt các sản phẩm từ chè sẽ đem lại giá trị kinh tế không chỉ cho ngành du lịch mà còn cho địa phương. Vì vậy, nên quan tâm sâu về cái này".
"Thời gian qua, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc phát huy giá trị gia tăng của cây chè trong việc hỗ trợ phát triển du lịch cũng như bảo tồn văn hóa. Tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch, gắn giới thiệu sản phẩm với tuyên truyền quảng bá văn hóa trà tại các vùng chè trên địa bàn. Thông qua đó để làm tăng giá trị cho các sản phẩm", ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết.