Ca sỹ Tuấn Hưng hát trên ban công nhà mình và có thể sẽ bị xử phạt vì điều này - câu chuyện bỗng chốc trở nên ồn ào suốt những ngày qua, chia đôi luồng dư luận. Không ít ý kiến ủng hộ nam ca sỹ khi cho rằng UBND quận Hoàn Kiếm đã quá nhạy cảm khi xử lý vụ việc. Tuấn Hưng đơn giản chỉ đứng hát trên ban công nhà mình, người hâm mộ tụ tập đứng nghe - cũng đơn giản chỉ vì hâm mộ anh, vì anh là ca sỹ nổi tiếng. Hình thức câu chuyện không khác gì bạn tổ chức hát karaoke tại nhà mình và mời bạn bè cùng tham gia (chỉ khác ở đây, bạn bè là đông đảo người hâm mộ Tuấn Hưng và không gian “hát cho nhau nghe” là ở nơi công cộng).
Tuy nhiên, nhiều người khác lại ủng hộ quyết định của chính quyền địa phương và cho rằng hành động can thiệp là cần thiết vì việc tụ tập đông người có thể dẫn đến mất trật tự an ninh, an toàn cháy nổ, trộm cắp, hay tiềm ẩn các nguy cơ dịch bệnh Covid-19... Dù Tuấn Hưng hát ở đâu thì cũng cần nhận được sự cho phép của cơ quan quản lý - đó là quy định bắt buộc.
Vậy nam ca sỹ “Nắm lấy tay anh” đã sai? Hay UBND quận Hoàn Kiếm quá nhạy cảm, cứng nhắc trong vụ việc này?
Có thể thấy, xung đột ở đây xuất phát từ 2 cách tiếp cận khác nhau: phía ca sỹ Tuấn Hưng tiếp cận ở góc độ thiên nhiều hơn về TÌNH, còn phía UBND quận Hoàn Kiếm (từ góc độ cơ quan quản lí nhà nước) tiếp cận nghiêng nhiều hơn về LÝ.
Việc Tuấn Hưng đứng hát trên ban công nhà mình cho khán giả nghe phía dưới đã được nam ca sỹ thực hiện từ nhiều năm nay. Ban đầu, Tuấn Hưng đơn giản chỉ hát giao lưu với khán giả, thỏa mãn yêu cầu của người hâm mộ, cũng giống như một ca sỹ nổi tiếng khi gặp fan ngoài đường, fan yêu cầu hát 1-2 bài góp vui thì đáp ứng vậy thôi. Đó không được xem là hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật vốn đòi hỏi những quy định khắt khe về nội dung và chất lượng trình diễn.
Còn UBND quận Hoàn Kiếm xuất phát từ vai trò và chức năng quản lí nhà nước, mong muốn điều chỉnh các hoạt động có thể ảnh hưởng đến an toàn của người dân trên địa bàn quận. Hành động xử phạt cũng vì lý do, phường đã nhiều lần mời Tuấn Hưng lên làm việc, hướng dẫn hành vi đăng ký tổ chức biểu diễn nhưng Tuấn Hưng không làm theo vì cho đây chỉ là hoạt động hát hò chơi chơi trên ban công nhà mình.
Thực tế, không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm nhiều năm qua cũng thường xuất hiện những nhóm bạn trẻ hát và chơi nhạc cụ; hay những người thổi sáo, hát rong... Hành động của Tuấn Hưng, về bản chất không khác những hoạt động biểu diễn này: vì cộng đồng và hướng đến cộng đồng. Thậm chí nhiều người còn so sánh việc hát trên ban công của Tuấn Hưng cũng giống như việc các nghệ sỹ người Ý chơi kèn saxophone, cello, violin... trên ban công nhà mình trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành 2 năm trước. Hay các đêm biểu diễn thiện nguyện của nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn và rất nhiều nghệ sỹ khác tại các bệnh viện dã chiến ở Tp.HCM. Bản chất đều là phi lợi nhuận, hướng đến cộng đồng, đáp ứng nhu cầu cộng đồng.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây mà tôi nghĩ nhiều người đã dễ dãi bỏ qua: đó là Tuấn Hưng (hay bất cứ nghệ sĩ nào cũng vậy) cần phải xin phép, phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Rõ ràng, Tuấn Hưng đã biểu diễn kiểu này nhiều lần và biết rõ sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tụ tập để nghe mình hát mà không có bất cứ sự kiểm soát nào. Và đám đông đó - cũng có thể lắm chứ, sẽ chen lấn xô đẩy, gây mất an ninh trật tự, hay làm những việc nguy hiểm không chỉ cho chính bản thân mình mà còn cho cả cộng đồng. Đó là chưa nói đến chuyện, Tuấn Hưng đã vậy, các ca sĩ khác cũng theo đó mà “noi gương”, khi đó thì hậu quả sẽ ra sao? Trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Cá nhân tôi không ủng hộ quan điểm cứ “không quản được thì cấm” hay cái gì cũng lấy phạt làm đầu, nhưng trong câu chuyện này, nếu việc nhắc nhở đã không còn tác dụng thì áp một chế tài mạnh mẽ hơn, âu cũng là cần thiết. Sống thượng tôn pháp luật - đó là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của bất cứ công dân nào - dù bạn có là ai.