Thiếu tướng Hoàng Đan (1928-2003) quê ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà chiến lược tài ba, tham gia và chỉ huy nhiều trận thắng lớn. Những chiến công ấy đã góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm rạng danh truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Thiếu tướng Hoàng Đan sinh năm 1928 trong một gia đình danh tướng tại Nghệ An, là hậu duệ đời thứ 21 của Hoàng Tá Thốn, một danh tướng đời Trần, từng được phong là Sát Hải Đại Vương.

Thiếu tướng Hoàng Đan là một cán bộ chỉ huy đã tham gia kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trải qua nhiều chức vụ quan trọng, mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch, ông đều thể hiện nổi bật vai trò của người lãnh đạo, tài chỉ huy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù khó khăn gian khổ đến mấy.

Với trình độ chuyên môn sâu rộng kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn trận mạc, ông đã tham gia giảng dạy và đào tạo nhiều thế hệ tướng lĩnh tài ba của quân đội sau này. Ông là hình ảnh của người thầy mẫu mực, đáng kính.

Thiếu tướng Hoàng Đan qua đời năm 2003 và được an táng tại quê nhà Nghi Thuận. Năm 2014, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ghi nhận công lao xuất sắc trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.

Cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Đan có đến hơn 40 năm cầm binh ra trận. Ông luôn là người chỉ huy mẫu mực, trí dũng song toàn trong mắt các lớp sĩ quan quân đội. Những câu chuyện về ông được lưu truyền cả trong chính sử lẫn lời kể của người chứng kiến. Cuộc đời ông gần như đồng hành với bước đi của dân tộc Việt Nam kể từ ngày có Đảng soi đường. Những bước chân in dấu khắp các chiến trường ác liệt, đi qua hầu hết các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

"Tướng Hoàng Đan đã trở thành niềm tự hào và là thần tượng của những người lính chúng tôi. Chỗ nào khó khăn nhất, ác liệt nhất thì ở đó có sự xuất hiện của ông", Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật (Bộ quốc phòng) bày tỏ.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một trong những đóng góp quân sự nổi bật của thiếu tướng Hoàng Đan. Ở chiến dịch, Quân đoàn 2 do ông chỉ huy thuộc cánh Đông. Trước đó, ông đã nhìn nhận lợi thế của đơn vị mình là có nhiều kinh nghiệm đột phá nhanh trong hành tiến qua các trận Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết. Dù Quân đoàn 4 được phân công chiếm Dinh Độc Lập, tướng Hoàng Đan dự đoán Quân đoàn 2 có thể vào trước. Ngày 30/4/1975, lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên, bắt sống toàn bộ nội các của Dương Văn Minh, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện.

GS.TS Khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, tướng Hoàng Đan là vị tướng đánh không theo lối thông thường mà luôn luôn làm cho kẻ địch rất khó đoán. Ông còn là vị tướng nói chuyện chiến trận như kể một câu chuyện đời thường, ở ông luôn toát lên sự lạc quan, rất chân tình. Ở những mũi tiến công cực kỳ khó khăn, ông là luôn là vị tướng xông pha nơi trận tuyến, là vị tướng giỏi của Việt Nam.

Sau chiến dịch Biên giới phía Bắc, đặc biệt là những người lính tại mặt trận Vị Xuyên, có lẽ, không thể nào quên được lời Thiếu tướng từng nói: “Không có một tổn thất nào là nhỏ khi nói về người lính đã ngã xuống. Mỗi người lính hy sinh họ là con, là chồng, là cha trong một gia đình. Đó là sự mất mát không thể bù đắp”.

Sự sẻ chia đó còn được kể lại trong câu chuyện của anh Hoàng Nam Tiến, con trai ông. Anh kể, dù rất được ba yêu thương, song cả đời mình, anh chưa từng được ông ôm. Ngày ông nội mất, ba anh không khóc. Vậy mà có một lần, khi đứng ở Nghĩa trang Trường Sơn, trước mộ của một người lính đã hy sinh ở Quảng Trị, anh thấy ba mình đã khóc - lần đầu tiên và duy nhất trong đời.

"Vị Xuyên là nơi ba tôi chiến đấu 1984 và tại đấy ba tôi đã nói những rất nặng nề với các binh sĩ chỉ huy của trận đánh. Khi đấy bộ đội hy sinh nhiều quá, ba tôi nói “các anh mà đánh thế này thì mẹ Việt Nam đẻ không kịp”. Thực sự mỗi 1 người chỉ huy, ngoài chiến thắng ra thì phải nhớ rằng, mỗi một người lính ngã xuống trong trận đánh có thể tổn thất nhỏ, thế nhưng đối với mỗi gia đình tổn thất đó không thể bù đắp", anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Nhận định về con người của ông, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Bí thư Quân ủy Trung ương đã viết: “Nói đến đồng chí Hoàng Đan, tướng Hoàng Đan, toàn quân ai cũng biết rõ và ngưỡng mộ ông. Một con người hầu như cả cuộc đời, cả sự nghiệp của ông đều gắn bó trong lĩnh vực quân sự… Đồng chí là một người chỉ huy có bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo, những nơi gặp khó khăn, những tình huống phức tạp, đồng chí thường được trên giao xuống trực tiếp…”./.