Giữa thế kỷ 17, vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài nhưng vẫn có những vị danh tướng vẫn luôn giữ được lòng trung chính giữa buổi loạn lạc ấy. Tướng quân Đào Quang Nhiêu là một trong những vị tướng như thế.

Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, phần “Nhân vật chí”, Đào Quang Nhiêu sinh năm 1601 mất năm 1672, là một danh tướng dưới triều 3 đời chúa Trịnh là Trịnh Tráng, Trịnh Tạc và Trịnh Căn thời Lê trung hưng. Đào Quang Nhiêu người làng Tuyền Cam, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, Trấn Sơn Nam, nay là xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Thực ra Đào Quang Nhiêu không phải gốc họ Đào mà thuộc dòng dõi họ Nguyễn Gia. Theo một số tài liệu, đặc biệt là theo gia phả họ Nguyễn Đào được viết vào năm Canh Ngọ (1750), ông nội của Đào Quang Nhiêu là Nguyễn tướng công, tên húy là Phúc An, giữ chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng thời Lê. Bố đẻ Đào Quang Nhiêu chính là con trai cả Nguyễn Lang, tên tự Chính Tâm, đương thời giữ chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thị vệ sự tại Vệ Cấm y, tước Dũng Quận công. Bố Đào Quang Nhiêu mất sớm khi mới 30 tuổi và khi Đào Quang Nhiêu mới 3 tháng tuổi.

Về việc đổi sang họ Đào của tướng quân Đào Quang Nhiêu, ông Nguyễn Gia Luyến- Trưởng Ban Liên lạc dòng họ Nguyễn Gia, thôn An Khoái, xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội cho biết, theo phả tộc, Đào Quang Nhiêu là con của dòng họ Nguyễn Gia, là đời thứ 6. "Cụ Quang Nhiêu sinh được 3 tháng thì bố mất, được cậu ruột là Yến Quận Công Đào Quang Hoa mang vào phủ vương nuôi. Khi trưởng thành, để mang ơn cậu, ông đổi từ họ Nguyễn Gia sang họ Đào Quang để đáp lại công ơn nuôi dưỡng của cậu. Và vì thế, từ đời thứ 6 trở đi dòng họ chúng tôi có hai họ song song là Nguyễn Gia và Đào Quang”.

Tương truyền từ bé Đào Quang Nhiêu đã có tướng mạo, tính khí hiên ngang của bậc võ tướng. Năm lên 9 tuổi, Đào Quang Nhiêu đã được Tổng Thái giám - Yến Quận Công Đào Quang Hoa (cậu ruột và sau này được coi là cha nuôi) đưa vào vương phủ nuôi dạy. Do trí tuệ khác thường như người đã trưởng thành nên năm 13 tuổi, Đào Quang Nhiêu đã được vua phong là Chánh đội trưởng Tả đội có nhiệm vụ trông coi, kiểm tra trướng, không lúc nào rời. Năm sau được giữ chức Quản binh, sắc phong Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân.

Vào thế kỷ 17, cuộc chiến Trịnh - Nguyễn chia cắt đất nước Đàng Trong - Đàng Ngoài, chiến tranh tới 7 lần, dân chúng vô cùng lầm than, đói khổ. Cuộc đời Đào Quang Nhiêu trải qua 3 đời chúa là Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc và 4 đời vua Lê là Lê Kinh Tông, Lê Thần Tông, Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông. Trong bối cảnh triều chính đại loạn ấy mà Đào Quang Nhiêu vẫn đủ bản lĩnh giữ được chữ Trung thần, không ngả nghiêng mưu toan cầu lợi thì thật đáng cho muôn đời nể phục.

Đào Quang Nhiêu còn lưu danh tên tuổi mình trong nhiều trận đánh nổi tiếng từng ghi trong sử sách. Từ 25 đến 62 tuổi, dấu chân ông đi khắp mọi miền từ Thất Khê, Lạng Sơn đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. 18 năm được cử làm Trấn thủ Nghệ An - Hà Tĩnh và Quảng Bình, ông tham gia bảo vệ biên giới, ổn định đời sống cư dân, giữ yên cho Bắc Hà. Chiến công của Đào Quang Nhiêu đã được một số bộ sử như “Đại Việt sử kí toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Lịch triều hiến chương loại chí”… chép lại khá chi tiết.

Là một võ tướng nhưng Đào Quang Nhiêu chủ trương tìm cách tập hợp dân chúng làm kế sâu rễ bền gốc, khi đánh giặc phải biết dùng mưu mẹo. Theo sách “Tướng công Nguyễn Gia – Đào Quang Nhiêu”, chất nhân văn trong con người Đào Quang Nhiêu thể hiện rất rõ trong lời tâm sự: “Ta chém giết không nhiều, phần lớn bắt được rồi thả. Với chính sách tù binh, ta cho họ ăn uống, cho quần áo mặc rồi trả về cho vợ con. Thả họ về thì họ giúp lại ta”... Trong lời di huấn, ông căn dặn con cháu: “Bình sinh ta mở chợ, đúc cầu, lấy nhân nghĩa để vì dân, thờ nước, không cậy quyền cậy thế, việc thiện thì làm, việc ác thì tránh. Có lộc đừng hưởng hết, có uy đừng cậy hết”...

Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà khắp các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ có rất nhiều đền thờ ông như Thành Hoàng làng. Đặc biệt, tại ngôi chùa Phúc Khánh tự ở Thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay cùng với thờ Phật còn có ban thờ tướng công Đào Quang Nhiêu.

Đối với nhân dân vùng Tuyền Cam quê hương hay nhiều vùng quê ở Hà Tĩnh, Thái tể Quốc công Đào Quang Nhiêu được coi là Phúc Thần. Sử sách ghi lại rằng, trong thời buổi loạn lạc và chấp chiến, nhân dân thiếu đất cày cấy, ông đã tự bỏ tiền mua được 71 mẫu, 8 khẩu, 6 lưu ruộng ở khắp xa gần, gọi là “huệ điền” chia cho dân lành làm ăn sinh sống. Ông còn giúp dân phát triển nghề nông và mở chợ Lự, hay còn gọi là chợ Tam Bảo để người dân Tuyền Cam và các vùng lân cận thông thương.

Không màng đến lợi ích cá nhân, tướng công Đào Quang Nhiêu còn rất lưu tâm đến việc vun đắp tinh thần và đạo lý cho nhân dân. Nhiều đình, chùa, đền, miếu trong vùng như ngôi chùa Cổ Long nơi vùng An Khoái – Tuyền Cam do ông hưng công xây dựng.

Trong suốt hơn 50 năm phụng sự, Đào Quang Nhiêu lập nhiều chiến công. Ông mất năm Nhâm Tý (1672) khi đang giữ chức Trấn thủ xứ kiêm trấn châu, thống suất quan Tả khuông quân dinh Phó tướng thiếu úy Đương Quận công. Ông được vua ban Thái tể, cho thụy là Thuần Cẩn, bao phong làm phúc thần, lập đền thờ ở quê nhà. Ngôi đền đến nay vẫn còn và được Đảng ủy, chính quyền cùng nhân dân chăm lo hương khói nghiêm tịnh.

Ngày nay, vị tướng của 2 dòng họ Nguyễn Gia và Đào Quang vẫn luôn hiện hữu nơi quê nhà cũng như những nơi thờ tự ông. Sử sách cũng có nhiều ghi chép về vị tướng quân đặc biệt này. Sử gia Phan Huy Chú đánh giá về sự nghiệp của ông trong “Lịch triều hiến chương loại chí” một cách ưu ái: “Ông là dòng dõi công thần; coi việc binh được chúa quyến luyến coi trọng đã lâu; dẹp yên trong ngoài, có nhiều công lao. Ông ở trấn 18 năm, chính lệnh nghiêm minh, giặc cướp vắng lặng, biên thùy yên ổn. Ông là bậc danh tướng đời Lê trung hưng”.

Mời nghe nội dung bài viết tại đây: