Giải pháp này được đánh giá là phương thức hiệu quả giúp định vị và thu hút sự quan tâm đối với các bộ môn nghệ thuật dân tộc trong đời sống đương đại. Điển hình cho hướng đi này là buổi biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế phục vụ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 5. Chương trình cho thấy nghệ thuật cổ truyền có đủ khả năng đảm đương vai trò đại sứ văn hóa trong các hoạt động đối ngoại cấp quốc gia.
Gần đây, tại Triển lãm thế giới EXPO 2025 Osaka ở Nhật Bản và sẽ diễn ra đến tháng 10, Nhà Triển lãm Việt Nam đang tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa đến công chúng quốc tế bằng các tiết mục biểu diễn đặc sắc như: múa rối nước, múa sen, hòa tấu đàn tranh, đàn bầu, đàn T'rưng, đàn K'long put, sáo trúc, trống dân tộc… Những chương trình này là minh chứng sống động cho chủ trương bảo tồn đi đôi với phát huy giá trị di sản trong xã hội hiện đại và khẳng định tầm quan trọng của nghệ thuật truyền thống trong hành trình phát triển bền vững của văn học nghệ thuật nước nhà.

"Những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống không gian ngoại giao không chỉ là phần lễ, mà thực sự là phần hồn của các chương trình này, để giúp đối tác quốc tế hiểu và cảm nhận sâu hơn về Việt Nam của chúng ta như một dân tộc, không chỉ đang phát triển mà còn là một dân tộc gìn giữ được chiều sâu văn hóa và tinh thần của dân tộc. Vì thế, tôi cho rằng mỗi dịp biểu diễn như vậy là một cơ hội vàng, để chúng ta thể hiện bản lĩnh văn hóa Việt Nam, vừa trân trọng, gần gũi thể hiện được sáng tạo trong hội nhập nhưng không hòa tan. Đó chính là cách mà chúng ta khẳng định tầm vóc và vị thế đất nước bằng con đường văn hóa" - PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại một số nghi lễ nhà nước, hội nghị quốc tế, tuần lễ văn hóa hay triển lãm đều mang nhiều ý nghĩa. Ở góc độ đối ngoại, đây là cách quảng bá hình ảnh đất nước hiệu quả và khẳng định chiều sâu văn hóa dân tộc.

Việc đưa nghệ thuật dân gian đồng hành các sự kiện chính trị ‑ ngoại giao đã tạo động lực để nghệ sĩ giữ nghề và thực hành sáng tạo. Mỗi lần xuất hiện trong các sự kiện trọng đại, cũng là một dịp để nghệ thuật truyền thống được giới thiệu, tôn vinh và thúc đẩy nhận thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Đơn cử như khi ca khúc Bắc Bling của Hòa Minzy được biểu diễn tại một sự kiện trọng đại của đất nước. Điều khiến tiết mục này trở nên đặc biệt không chỉ bởi sức lan tỏa của bài hát, mà còn vì sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều khách mời cấp cao trong chương trình.
PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Từ những năm 2015 trở đi, văn học, nghệ thuật nước nhà được hiện đại hóa nhanh chóng trong quá trình giao lưu gặp gỡ với nghệ thuật hiện đại trên thế giới. Đặc biệt, mô hình Nhà hát Nghệ thuật đương đại trở thành sân khấu thể nghiệm nhiều chương trình mới lạ, ấn tượng. Một số nghệ sĩ đã ghi dấu ấn trong các lĩnh vực nghệ thuật đương đại. Gần đây là các nghệ sĩ trẻ đã khẳng định tài năng trong môi trường quốc tế như các MV Để Mỵ nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh và Bắc Bling của Hòa Minzy… đã được sự đón nhận của đông đảo công chúng trong và ngoài nước…

Tuy nhiên, để hướng đi này hiệu quả và bền vững, các nhà quản lý cho rằng cần triển khai bài bản với tầm nhìn chiến lược và đầu tư đồng bộ. Nghệ thuật truyền thống phải được xác định là thành tố quan trọng trong ngoại giao văn hóa của quốc gia. Nghệ sĩ Ưu tú Lộc Huyền (Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam) cho rằng, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, tuồng đang đứng trước những thử thách trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng. Vì vậy, Nghệ sĩ Ưu tú Lộc Huyền đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống trong thời kỳ hội nhập, ngoại giao văn hoá: Cần đẩy mạnh đào tạo, tập huấn chuyên sâu gắn với giao lưu quốc tế; nâng cao vị thế của nghệ thuật tuồng trong các nhiệm vụ chính trị, văn hóa quốc gia. Đặc biệt, cần sớm xây dựng chế độ đãi ngộ đặc thù, tạo động lực cho sáng tạo nghệ thuật…
NSND Trần Ly Ly, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Múa Việt Nam cho rằng, việc khắc phục những bất cập trong đào tạo hiện nay là hết sức quan trọng, từ chương trình, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đến cơ chế quản lý và hợp tác quốc tế. Có như vậy mới có những tác phẩm chất lượng đến với bạn bè quốc tế.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết thêm, để hướng đi này thực sự hiệu quả và bền vững, cần có những giải pháp đồng bộ. Trước hết là chính sách đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng đối với nghệ nhân, những người gìn giữ, ký ức văn hóa dân tộc, qua từng tiết mục, từng động tác nhạc cụ mà chúng ta vẫn hay gọi họ là những báu vật nhân văn sống. Thứ hai, chúng ta cần có chiến lược lâu dài về việc lồng ghép với nghệ thuật truyền thống, trong hoạt động đối ngoại; từ việc tuyển chọn tiết mục phù hợp với từng đối tượng khách mời đến đầu tư chuyên nghiệp cho sân khấu, cho đạo cụ trang phục để mỗi lần đi biểu diễn là một lần lan tỏa văn hóa Việt Nam một cách bài bản và ấn tượng. Cuối cùng, nên kết nối hoạt động này với hoạt động giáo dục văn hóa trong nước, đưa nghệ thuật truyền thống vào trong trường học, về với cộng đồng trong sân khấu hiện đại, để từ đó hình thành nên một hệ sinh thái nuôi dưỡng và phát triển nghệ thuật dân gian một cách tự nhiên và sống động.
Hy vọng, việc đưa nghệ thuật truyền thống trong ngoại giao văn hoá không chỉ dừng lại tính biểu tượng mà thực sự trở thành động lực lan tỏa bản sắc và sáng tạo dân tộc trong thời đại mới.