Nước ta có nền văn hóa lâu đời với lịch sử hàng nghìn năm văn hiến. Trải qua những thăng trầm của lịch sử đã tích luỹ và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hoá riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần vào nền văn hoá chung của nhân loại.

"Văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, cần cù, sáng tạo, tinh tế, giản dị trong lối sống. Đây là giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc cùng với các hình thức biểu hiện phong phú, đa dạng" - PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.

Văn hóa truyền thống có vai trò to lớn trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. Vì vậy, việc kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người trong xã hội hiện đại rõ ràng là một tất yếu khách quan.

Trong sự nghiệp cách mạng, vai trò của văn hóa luôn được Đảng ta chú trọng, nuôi dưỡng và bồi đắp. Chính vì thế, về lĩnh vực văn hóa, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng, mang tầm chiến lược để tập trung xây dựng và phát triển nền văn hóa của đất nước.

Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những chặng đường vinh quang của văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khẳng định: Văn hóa là một mặt trận, văn hóa không đứng ngoài chính trị và kinh tế mà ở trong chính trị và kinh tế, văn hóa phải tham gia phò chính, trừ tà. Dân tộc bị nô lệ thì văn hóa cũng mất tự do. Văn hóa muốn tự do thì phải tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Năm 1943, Đảng ta đã công bố “Đề cương văn hóa Việt Nam”, trong đó nêu rõ: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị và văn hóa) và chủ trương phát triển văn hoá theo ba hướng: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Năm 1946, trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”.

Trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khẩu hiệu "Văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá", "xây dựng đời sống mới", văn hoá đã thực sự trở thành động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954.

Giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng chủ trương xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, trong đó “tính chất dân tộc” của văn hóa được coi trọng, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc.

Thời kỳ đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khoá 7 và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khoá 8 về Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là những Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tiếp đó là Nghị quyết số 33 của Hội nghị lần thứ IX, Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 về Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đảng ta đã xác định một số nhiệm vụ mới là xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế; phát triển các ngành công nghiệp văn hoá và hoàn thiện thị trường văn hoá.

PGS.TS Phạm Duy Đức nhận định: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, phải phát triển trí tuệ, bồi dưỡng tình cảm, khơi dậy khát vọng giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chính cách mạng đã khơi nguồn, tạo động lực và hướng đi để văn hóa cất cánh đồng hành cùng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng để góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử trong cách mạng tháng 8, trong chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc 1975, trong sự nghiệp đổi mới hiện nay".

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đất nước, nhân dân, chủ trương của Đảng ta luôn nhất quán: “Tăng trưởng kinh tế không phải là mục tiêu duy nhất, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa". Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, giải quyết an sinh xã hội. Văn hóa không phải là kết quả thụ động của kinh tế mà là yếu tố bên trong, là động lực, là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Nền kinh tế mà chúng ta xây dựng là nền kinh tế nhân văn, kinh tế vì con người, cho con người. Con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của phát triển kinh tế - xã hội. Các giá trị văn hóa, đạo đức được thẩm thấu, lan tỏa vào các hoạt động kinh tế vì hạnh phúc của con người, của dân tộc.

Tăng trưởng kinh tế không phải là tất cả. Nhiều nước tăng trưởng kinh tế cao nhưng mâu thuẫn, xung đột xã hội gia tăng. Vì vậy, tích lũy của cải phải gắn liền với tích lũy về văn hóa, về giá trị xã hội. Đảng ta đã nhấn mạnh các giá trị văn hóa tiêu biểu như Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học phải được thẩm thấu, lan tỏa vào trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội… Không hy sinh văn hóa vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm tha hóa xã hội.

Kể từ sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước đã có những chuyển biến tích cực và dần được hiện thực hóa một cách rõ nét. Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và di sản văn hóa của dân tộc đã được các địa phương trong cả nước kế thừa, bảo tồn và phát huy trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Văn hóa đã và đang tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đồng thời đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mạch ngầm xuyên suốt trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam thực sự đã được khơi thông một cách mạnh mẽ, cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Thông điệp từ “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa đã lan tỏa mạnh mẽ với những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên là những tín hiệu tích cực cho phát triển văn hóa.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là truyền thống yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, truyền thống đại đoàn kết, nhân ái, dũng cảm, khoan dung, sáng tạo… Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, qua đó góp phần bảo vệ Tổ quốc, từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa chính là điều kiện để chúng ta phát huy sức mạnh mềm của xã hội hiện nay.

Công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá thời gian qua đã và đang có những bước khởi sắc. Đây rõ ràng là những “trái ngọt” để nước ta tiếp tục củng cố niềm tin, động lực và quyết tâm xây dựng một nền văn hóa mới, với khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Xin mời nghe chi tiết tại đây :