Trong mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội dậy sóng về câu chuyện xảy ra ở một mô hình trại hè nổi tiếng. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc nhiều phụ huynh phàn nàn về chất lượng dịch vụ tồi tệ dành cho con trẻ, mà điều đáng nói hơn là cách giải quyết vấn đề của những người liên quan.

Sau khi nhận được những phản ánh tiêu cực của phụ huynh tố con trai bị bắt nạt, bị viêm da nặng, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý sau khóa tham gia trại hè, đơn vị tổ chức đã xin lỗi ít nhất 3 lần, với nhiều hình thức và người đại diện khác nhau đăng trên các tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn phản đối và phẫn nộ vì cách xin lỗi cho có, xin lỗi cho xong khi chỉ “tung lên mạng” lời xin lỗi hời hợt.

Có con ở độ tuổi thiếu niên và đã từng tham gia trại hè nhiều lần, chị Nguyễn Thanh Nga, phường Giảng Võ, Hà Nội rất bức xúc về cách xin lỗi trên facebook của chị N.M.T, người sáng lập mô hình trại hè đang gây xôn xao dư luận này: “Tôi nghĩ chị ấy là người của công chúng, đã từng có rất nhiều video clip chia sẻ về cách dạy con. Nhưng khi sự việc xảy ra, các phụ huynh phản hồi về việc sức khỏe con họ bị ảnh hưởng do điều kiện vệ sinh của khu trại hè thì tôi thấy lời xin lỗi của chị ấy như là để thanh minh và đổ lỗi cho người khác chứ không phải là nhận lỗi, vì thế tôi thấy không còn thiện cảm với chị ấy, mất lòng tin vào những điều chị ấy chia sẻ từ trước đến nay”- Chị Thanh Nga bày tỏ.

Đáng tiếc, kiểu xin lỗi hời hợt trên mạng xã hội như câu chuyện trên không phải là hiếm. Lời xin lỗi là một điều cơ bản mà chúng ta thường được dạy từ nhỏ mỗi khi làm sai. Lời xin lỗi chân thành có thể giúp hóa giải những hiểu lầm, xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, nếu chỉ xin lỗi cho xong thì cực kỳ nguy hại, và tệ hại hơn nếu không khéo lại trở thành công khai thách thức dư luận. Chính vì vậy, trong kỷ nguyên số, khi thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt, lời xin lỗi hời hợt sẽ không đủ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Khương, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường, nhà sáng lập sàn văn hóa Học và Đọc Việt Nam, không gian mạng, với tính công khai, lan truyền nhanh và thiếu kiểm soát cảm xúc, đã làm thay đổi cách người Việt tiếp cận, thể hiện và đón nhận lời xin lỗi. Mạng xã hội là một tấm gương phóng đại thói quen xin lỗi của người Việt, vừa phản ánh sự chuyển mình tích cực, vừa phản ánh những lệch chuẩn mới. Mạng xã hội giúp lời xin lỗi được thể hiện rộng rãi, công khai và nhanh hơn, tạo áp lực thúc đẩy trách nhiệm xã hội và sự minh bạch.

Tuy nhiên, thực tế nhiều lời xin lỗi trên mạng xuất phát từ việc bị “ném đá” thay vì từ sự tự nguyện. Người xin lỗi không phải vì thấy mình sai, mà vì “không xin lỗi thì mất hết danh tiếng”. Do đó, văn hóa xin lỗi trên mạng trở thành một "mặt nạ xã hội", vừa thật vừa giả, vừa tiến bộ vừa nhiều mâu thuẫn. “Nếu xin lỗi mà hời hợt thì đừng xin lỗi còn hơn” - Ông Nguyễn Văn Khương nhấn mạnh.

Trong cuộc sống, lời xin lỗi tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại chứa đựng sức nặng của lòng tự trọng, sự thấu hiểu và cả trách nhiệm. Tuy nhiên, không phải lời xin lỗi nào cũng mang đúng ý nghĩa của nó. Khi lời xin lỗi được thốt ra chỉ để xoa dịu tình thế, chỉ để "cho có" hoặc tránh né trách nhiệm, thì sẽ không mang giá trị gì, thậm chí là phản tác dụng. Ông Nguyễn Văn Khương cho rằng, mạng xã hội có thể là ảo, nhưng cảm xúc con người là thật nên dù xin lỗi trên mạng hay xin lỗi trực tiếp ngoài đời thực thì lời xin lỗi phải đủ hai trụ cột chính: đó là tính chân thành, hối lỗi thực sự và sự rõ ràng, không đổ lỗi, đồng thời cam kết khắc phục.

“Theo tôi, một lời xin lỗi phải chân thành và đúng lúc, xin lỗi nên được nói ra ngay khi nhận ra lỗi, không vòng vo trì hoãn. Thứ hai là cần thừa nhận lỗi sai rõ ràng, không biện minh hay đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh. Thứ ba là cần cam kết sửa sai, hành động khắc phục. Bởi khi xin lỗi, bước quan trọng nhất phải đi kèm hành động. Một lời xin lỗi đúng nghĩa là sự kết hợp giữa trái tim biết hối lỗi, trí tuệ biết thấu hiểu, và hành động biết sửa sai. Trong cả đời thực lẫn mạng xã hội, xin lỗi không chỉ để “thoát lỗi” – mà là để khôi phục niềm tin” – nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khương nêu quan điểm.

Đặc biệt, đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thì trách nhiệm xin lỗi phải cao hơn vì họ có ảnh hưởng đến công chúng, nhất là tác động đến giới trẻ. Một lời nói sai từ họ có thể gây hiểu lầm lớn, nên xin lỗi đúng lúc là trách nhiệm đạo đức và xã hội.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi phát ngôn, hành động đều có thể được ghi lại, chia sẻ, và đôi khi bị "ném đá" chỉ sau một cú click. Mạng xã hội là ảo, nhưng cảm xúc và con người là thật. Nếu sai, hãy xin lỗi đúng lúc, đúng cách - đó không chỉ là phép lịch sự, mà còn là văn hóa tử tế.

Để kiến tạo một nền văn hóa xin lỗi tử tế, trách nhiệm và nhân văn hơn trong không gian mạng, ông Nguyễn Văn Khương cho rằng, mỗi cá nhân và cộng đồng có thể cùng hành động. Với từng cá nhân hãy biết xin lỗi đúng, sống đẹp hơn, tự rèn kỹ năng xin lỗi – từ suy nghĩ đến hành động, chủ động sửa sai – thay đổi hành vi và thực hành văn hóa bao dung, khi người khác xin lỗi thật lòng, hãy biết tha thứ. Với cộng đồng mạng, cần góp phần tạo “môi trường đạo đức” tích cực bằng cách không cổ vũ văn hóa "ném đá vô tội vạ", cần khuyến khích và lan tỏa lời xin lỗi có trách nhiệm để xây dựng cộng đồng biết lắng nghe và sửa sai cùng nhau.

“Chúng ta – từ mỗi người dùng mạng xã hội, đến cộng đồng, tổ chức giáo dục, truyền thông – đều có thể góp phần kiến tạo môi trường đạo đức tích cực. Bắt đầu bằng cách xin lỗi khi cần, và đừng ngại tha thứ khi ai đó biết nhận lỗi” – nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khương chia sẻ.

Xin lỗi là hành vi cơ bản trong chuẩn mực văn hóa ứng xử thể hiện sự văn minh, tiến bộ và trưởng thành của một cộng đồng xã hội. Việc xin lỗi chân thành, dù trên mạng hay ngoài đời thực, đều có giá trị và ý nghĩa nhất định trong việc duy trì các mối quan hệ, thể hiện sự tôn trọng và trách nhiệm của cá nhân. Nó cho thấy bạn quan tâm đến việc làm tổn thương người khác và mong muốn khắc phục tình hình. Ngược lại, lời xin lỗi thiếu chân thành sẽ “sai một ly, đi một dặm”, bởi lời nói ra như mũi tên bắn đi. Hãy chân thành khi xin lỗi, dù là trên mạng hay ngoài đời thực.