Sáng 28/11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (2/12/1953 - 2/12/2023).

Tham dự buổi lễ có ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, các thế hệ cán bộ nhân viên các thời kỳ của Viện.

Viện Sử học, tiền thân là Tổ Lịch sử thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập ngày 2/12/1953 tại Chiến khu Việt Bắc, theo Quyết định số 34 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đã đánh dấu một bước phát triển mới của khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có khoa học lịch sử. Ngày 6/2/1960, để đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 039-TTg thành lập Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Sự ra đời của Viện Sử học là một bước tiến trên con đường xây dựng một Viện nghiên cứu đầu ngành về sử học.

Trải qua nhiều lần thay đổi, hiện nay Viện Sử học có 50 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 43 cán bộ có trình độ trên đại học gồm 2 phó giáo sư - tiến sỹ, 27 tiến sỹ và 12 thạc sỹ và nhiều người đang theo học nghiên cứu sinh và cao học. Cơ cấu tổ chức của Viện Sử học bao gồm Lãnh đạo Viện, Hội đồng khoa học, 8 phòng nghiên cứu và chức năng.

Phát biểu tại buổi lễ, TS Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học tự hào khẳng định: “Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, có thể khẳng định: Thành tựu Viện Sử học đã đạt được là toàn diện, cả về nghiên cứu khoa học, nghiệp vụ cũng như về đào tạo đội ngũ cán bộ, hợp tác quốc tế, phối hợp với các ngành, các địa phương... Những thành tựu ấy là niềm tự hào to lớn của các thế hệ cán bộ Viện Sử học trong suốt 70 năm qua”.

Trong 70 năm qua, Viện Sử học tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, như: Nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam; biên soạn các bộ thông sử; sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố tư liệu lịch sử, biên soạn các bộ sách công cụ; đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử; xây dựng và phát triển nội dung Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử với hơn 600 số được xuất bản.

Với sự nỗ lực của một tập thể đồng lòng, Viện Sử học đã đạt được những danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (1980), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1998); Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới (2000). Nhiều nhà khoa học của Viện được tặng các giải thưởng gồm: 6 nhà khoa học được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh; 8 nhà khoa học được nhận Giải thưởng Nhà nước… Đặc biệt, Viện Sử học là nơi gắn với nhiều tên tuổi là những nhà sử học uy tín của nước nhà như: GS.VS. Trần Huy Liệu, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, GS. Trần Văn Giàu, GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Văn Giáp, GS. Trần Đức Thảo, Nhà sử học Hoa Bằng, Nguyễn Lương Bích, GS. Văn Tân...

Nhấn mạnh mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược của Viện Sử học thời gian tới, TS Lê Quang Chắn chia sẻ, Viện tiếp tục xây dựng Viện Sử học trở thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử của đất nước. Viện Sử học sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học lịch sử có trình độ cao cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, Viện Sử học tiếp tục nghiên cứu và biên soạn các bộ lịch sử chuyên ngành và lịch sử các địa phương, lịch sử các nước trên thế giới phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường hội nhập quốc tế qua việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn có uy tín; nâng cao chất lượng của Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử.

Đánh giá về chặng đường 70 năm qua của Viện Sử học, TS Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: “Sự lớn mạnh của Viện Sử học cũng như sự phát triển của đội ngũ cán bộ khoa học của Viện Sử học đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển một số cơ quan nghiên cứu khác của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nhiều cán bộ, trong đó có những cán bộ cốt cán, đầu ngành của Viện được điều động sang công tác tại các Viện mới thành lập như Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Xã hội học…”

Để nối tiếp truyền thống và bề dày lịch sử 70 năm qua cũng như đáp ứng nhu cầu tình hình và nhiệm vụ mới hiện nay, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu cho rằng, Viện Sử học cần tích cực xây dựng đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế - xã hội cho các bộ, ngành, các địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện. Viện Sử học cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao để xứng đáng với những thành tựu trong quá khứ và đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, xứng đáng là đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, luôn giữ vững vị thế của một con chim đầu đàn trong ngành sử học và đảm nhiệm tốt vai trò là nhịp cầu nối từ quá khứ tới tương lai, bồi đắp thêm những giá trị cốt lõi, trường tồn của dân tộc Việt Nam.